Cúng Táo quân ở quê tôi không được chọn giờ, mâm cúng gồm những thứ này, phải cúng xong trước 23h

Đinh Hạ Thứ sáu, ngày 13/01/2023 05:15 AM (GMT+7)
Lễ cúng Táo quân ở quê tôi, đã thành truyền thống được ấn định vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, không ai chọn giờ, phải cúng xong trước 23h. Cúng Táo quân không mượn thầy cúng, gia chủ tự khấn, không cần sớ tấu.
Bình luận 0

Từ nghìn xưa, nền văn minh lúa nước đất Việt đã phổ biến các tín ngưỡng tâm linh. Những mỹ tục vẫn được giữ gìn thành truyền thống, di sản tinh thần quý giá của dân tộc. Đặc biệt, tục cúng ông Công ông Táo vẫn được người dân quê gìn giữ.

Người xưa thường nói: "Đất có Thổ Công sông có Hà bá". Mỗi mảnh đất, ngôi nhà theo quan niệm đều có những vị thần cai quản nhất định. Trần sao thì âm vậy. Trong số 5 vị thần quan trọng của mỗi nhà (gia thần), Táo quân là vị thần quan trọng bậc nhất trong đời sống tâm linh.

Táo quân, dân gian gọi nôm na là vua bếp (hay ông Công ông Táo), được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Tên đầy đủ của vị thần, theo tiếng Hán là "Đông trù Tư mệnh Cửu linh Nguyên vương Định Phúc Thần quân", tục xưng Táo quân hoặc Táo vương.

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 1.

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo. Ảnh: PV

Trong tín ngưỡng dân gian, nguồn gốc ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc đã Việt hóa thành huyền tích "hai ông một bà". Người Việt Nam vẫn còn lưu truyền câu ca "thế gian một vợ một chồng; Không như vua bếp hai ông một bà" là để nhắc lại sự tích Táo quân bị thương, tình nghĩa.

Theo tích xưa, Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. 

Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm, tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện, Thị Nhi tỏ lòng ân hận, đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao, khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. 

Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 2.

Cá chép là phương tiện chính để giúp Táo quân có thể “vượt Vũ Môn hóa rồng”. Ảnh: PV

Linh hồn của ba vị được đưa lên trời. Ngọc Hoàng thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp, danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hy vọng Táo quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Thêm vào đó, người Việt quan niệm ba vị thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình, phúc đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ, những người trong nhà.

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 3.

Cá chép được dâng lên Táo Quân phải có màu đỏ, to, khỏe mạnh, không bị trầy xước trên thân, vảy cá nguyên vẹn. Ảnh: PV

Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán "thượng thiên ngôn hảo sự; Hồi cung giáng bình an" (Lên trời tâu việc tốt; Trở về ban yên lành).

 Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo quân quanh năm ở trong bếp, biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, sẽ lên trời thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian.

Bởi thế, người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất long trọng, mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa, thói quen từ xa xưa truyền lại.

Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng chạp, ngày Táo quân lên chầu trời, có nơi gọi "Tết ông Công". Theo tín ngưỡng, đa số người dân tin rằng ngày ông Táo lên báo cáo Thiên đình rơi vào 23, 24, hoặc 25 tháng chạp, dựa theo quy tắc "Quan tam, dân tứ, đại gia ngũ". 

Theo đó, những nhà quan chức quyền quý cúng tiễn Táo quân vào ngày 23, người dân bình thường cúng ngày 24, giới thượng lưu (đại gia) tiễn ngày 25. Nhưng thường dân gian cúng ngày 23 để "lấy hơi quan" cho nhà mình được phát đạt.

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 4.

Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp là nét văn hóa của người Việt. Ảnh: TC

Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Nhà điều kiện, cúng cỗ mặn như xôi gà (hàn nâm), sinh tư thành (xôi thịt), cụ soạn (cỗ soạn)... Nhà không điều kiện, cúng cỗ lạt như: trai nghi (xôi mật), bánh ngọt và hoa quả...

Lễ cúng Táo quân ở quê tôi, đã thành truyền thống được ấn định vào ngày 23 tháng chạp hàng năm, không ai chọn giờ, cúng xong trước 23h. Cúng Táo quân không mượn thầy cúng, gia chủ tự khấn, không cần sớ tấu. Văn khấn là lời tiễn biệt, tâm sự, mong muốn của gia chủ đối với Táo quân trước khi lên trời chầu Ngọc hoàng. 

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 5.

Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp. Ảnh: TC

Khi mẹ còn khỏe mua kim ngân vàng mã, tài mạ xiêm y, cá chép bằng giấy. Nay theo lễ nghi hiện đại, mua cá chép còn sống (giống cá chép màu đỏ).

 Ở quê tôi, vẫn còn có ao làng, để làm nơi phóng sinh đầy ý nghĩa. Lễ cúng bánh ngọt làm từ bột nếp, nấu bằng mật mía hoặc khoai vạc nấu với mật, quê tôi gọi là "cháo chè". 

Dân gian cho rằng Táo quân về chầu Ngọc Hoàng cần "ngọt giọng", tấu báo những điều tốt đẹp về gia đình, cầu mong Ngọc Hoàng ban phúc lành cho gia đình trong năm mới. 

Với quê tôi, 23 tháng chạp, ông Táo về trời chính là Tết con. Đi kèm với mỗi ngày mỗi việc đều có danh từ Tết đi cùng như: đi chợ Tết, rọc lá gói bánh Tết, mua đồ Tết, 26 Tết, 27 Tết.

Những điều thú vị “Tết ông Công ông Táo” người dân quê còn gìn giữ - Ảnh 6.

Cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, giữ an lành cho con người trong những ngày ông Táo chầu trời. Ảnh: HT

Ngày 23 Tết, cũng chính là lúc nhà nhà dựng cây nêu, để xua đuổi tà ma ngoại đạo, nay treo cờ Tổ quốc để con người nhớ về nguồn cội, cho người tha hương biết nẻo ngóng về. Sau ngày 23 Tết, người dân tất bật hơn. 

Ba ngày Tết qua mau, người dân quê lại chuẩn bị lễ khai hạ, lễ vật cúng mời Táo quân trở về hạ giới làm nhiệm vụ của mình. Nét đơn sơ, bình dị của làng quê Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem