Cứ mỗi dịp Tết nguyên đán là việc mua bán đào, quất, mai và các loại cây cảnh khác của người dân trở nên sôi động ở trên khắp cả nước ta. Đây là thời điểm làm ăn được chờ đợi của cả năm của những người trồng cây cảnh và các tiểu thương buôn bán.
Để chăm những gốc đào, mai, chậu quất của mình, họ phải thuê người hoặc thức xuyên đêm để trông. Giữa đêm, trời rét, nhiều chủ vườn phải chăm sóc, thúc cây ra hoa, nảy mầm và nụ đúng thời điểm… để cây của họ đẹp nhất và mong bán hết hàng.
Dọc tuyến phố Nguyễn Duy Hiệu, Bùi Khắc Nhất... của TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá không khó để bắt gặp những túp lều xập xệ được dựng lên để lấy chỗ ra vào phục vụ cho người bán cây cảnh Tết ở đây.
Để chăm cây hầu hết họ đều dựng lều hay căng những tấm bạt ở ngay cạnh những chậu mai, đào, quất… giữa trời mưa rét như cắt da cắt thịt để trông coi. Chăn gối, ấm chén, bát đũa, mỳ tôm cũng được đem theo. Mỗi lều có đến hai ba người thay phiên nhau trông. Đêm đến, những đống lửa nhỏ được người dân và tiểu thương nhóm lên xua đi cái lạnh.
1 giờ sáng, ngồi bên đống lửa anh Lê Văn Thuỷ ở TP. Thanh Hoá xuýt xoa, năm nay đào, quất bán chậm so với những năm trước đây, lượng người tiêu thụ ít. "Để trông coi đào quất, hàng ngày chúng tôi phải thay phiên. Đêm đến, tôi thức đến sáng để trông coi, nếu không thức nhỡ may bị lấy trộm một vài cây là mất toi tiền thuê xe chở cả chục triệu rồi", anh Thuỷ chia sẻ.
Hai vợ chồng anh Trần Lực (36 tuổi, trú huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đang nằm co ro trong chiếc chăn mỏng. Anh Lực cho biết, năm nay, gia đình mang 300 gốc đào đến TP. Thanh Hóa bán nhưng mới chỉ bán được khoảng 30 cây.
Theo anh Lực, đào anh bán là giống đào phai kép trồng tại địa phương. Tổng chi phí nhập đào của anh là 150 triệu. Hiện anh đang bán với giá từ 300 - 500.000 đồng/cành nhưng người mua vẫn rất ít.
Trên tuyến đường Trịnh Kiểm phường Đông Vệ, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá anh Nguyễn Chấn Chỉnh, mang 100 cành đào Sa Pa xuống TP. Thanh Hóa để bán từ ngày 16 âm lịch, tuy nhiên, đã 8 ngày trôi qua, anh Chỉnh mới bán được 20 cành.
Theo anh Chỉnh, đào anh nhập về là đào Sa Pa với giá là 100 triệu đồng. Tính thêm cước xe, tiền bãi để bán thì tổng chi phí đã lên tới 150 triệu đồng. Tết năm nay anh chỉ mong thu hồi vốn là mừng rồi. Hiện 2 vợ chồng anh phải thay phiên trông coi và bán đào cả ngày lẫn đêm.
Để trông cây người bán hàng phải dựng tạm những lều bằng bạt đơn sơ.
Chỗ ngủ người người bán đào, quất và các mặt hàng Tết chỉ là những chiếc chòi tạm bên vỉa hè.
Để kích lệ nhau họ đã tập chung ăn uống, nói chuyện và động viên nhau qua những đêm đông giá rét.
Những đống lửa nhỏ được người dân đốt lên trong đêm, để xua đi một phần giá lạnh.
Các tiểu thương phải thức trắng đêm để trong còi hàng hoá của mình.
Ngoài ra, họ còn tranh thủ chăm sóc và chỉnh trang cây... để thức hết đêm lạnh.
Nhiều người đã ngủ thiếp đi trong đêm.