Trắng đêm canh đào quất ở Hà Nội: "Vì một cái Tết bánh chưng có thịt"
Trắng đêm canh đào quất ở Hà Nội: "Vì một cái Tết, bánh chưng có thịt"
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 13/01/2023 07:39 AM (GMT+7)
Bất kể mưa gió rét mướt, nhiều tiểu thương và người trông đào, quất thuê ở Hà Nội những ngày cận Tết hầu như thức xuyên đêm ngồi trông với hy vọng một mùa vụ có thêm thu nhập.
Màn đêm buông xuống, khi đồng hồ điểm 1h sáng cũng là lúc anh Hồ Trùng Điệp ở làng Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội dọn những cành đào bày bán trên đường Lạc Long Quân. Suốt những ngày qua kể cả mưa rét anh Điệp cùng nhiều tiểu thương buôn đào, quất đều trực chiến, canh xuyên đêm đều mong kiếm được một cái Tết sung túc.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, những ngày này, dọc các tuyến phố Võ Chí Công, Lạc Long Quân, Lê Văn Lương, Tố Hữu,... Hà Nội đào, quất được bày bán la liệt. Đằng sau vẻ đẹp của những chậu cây cảnh là những túp lều dã chiến túc trực ngày, đêm. Để có thể thức xuyên đêm trông đào, quất bán dịp cận Tết một số tiểu thương ở Hà Nội phải đốt lửa để sưởi ấm, thắp điện bán đào.
Cách chỗ anh Điệp không xa, Mai Hữu Sơn và Tạ Quốc Huy (19 tuổi, quê Phú Thọ) đốt lửa sưởi ấm vơi đi cái lạnh buốt về đêm và tránh buồn ngủ. Cả Sơn và Huy là người được thuê trông đào quất cách đây hơn 10 ngày với giá 300.000 đồng mỗi ngày.
"Giờ đặt mình xuống là tôi ngủ tới sáng. Thế nhưng máy bơm nước, xe cộ để ở đây nhiều nếu chẳng may mất đồ gì thì cũng mất Tết. Thôi cũng mong một cái Tết bánh chưng có thịt, đỡ khó khăn hơn nên chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng", Sơn tâm sự.
Không chỉ cánh mày râu, những ngày này chị Hà Thị Tươi cũng tất bật lo kiếm Tết từ buôn đào. 1h30 sáng xe đào từ Lai Châu mới xuống đến đường Lạc Long Quân. Lúc này, chị Tươi tất bật đi kiếm củi, cành cây để dựng chiếc lều tạm nghỉ ngơi đến sáng bày hàng. Chị cho biết, đã nhiều lần từ Lai Châu xuống Hà Nội bán cành đào Tết. Dịp Tết này chị bày bán 60 cành đào.
"Những ngày này hầu như chúng tôi thức suốt đêm. Cả năm trông chờ ngày Tết để kiếm ăn nên phải chịu khó. Dần dần thức đêm cũng thành thói quen hoặc mọi người thay nhau canh đào để tranh thủ chợp mắt một lúc lấy sức làm", chị Tươi nói.
Trong căn lều tối mịt nằm đầu đường Lạc Long Quân - Âu Cơ, ông Nguyễn Văn Hải (58 tuổi, quê Bắc Giang) cùng bạn hàng đang lên kế hoạch để có thể bán hết 50 cành đào rừng được đưa từ Lạng Sơn xuống. Lúc này, đồng hồ đã điểm 2h sáng phố xá vắng bóng người qua lại. Để có được số đào trên, ông Hải phải tìm kiếm, đặt mua cách đây hơn một tháng.
"Xuống phố nhìn đẹp thế này nhưng để đưa đào về đến đây tốn rất nhiều công sức, chi phí. Cái nghề bán cành đào dịp Tết này chẳng khác nào đánh bạc, may thì có đồng tiêu Tết còn ế vứt bỏ làm củi", ông Hải chia sẻ.
Tại đường Tố Hữu, quận Hà Đông, Hà Nội, để thuận tiện cho việc trông coi đào quất, anh Nguyễn Trường Tình (quê Hà Nam) dựng chiếc lều "dã chiến" ngay trên dải phân cách cứng giữa lòng đường Tố Hữu. 10 năm qua, anh Tình đã bán quất Tết ở nhiều địa điểm khắp Hà Nội.
Anh đánh giá, nhu cầu chơi cây cảnh dịp Tết năm nay tăng cao so với các năm trước. Hiện anh Tình đang bày bán khoảng 1.000 cây quất các loại với giá từ 200.000 đồng -3 triệu đồng. Do lượng hàng nhiều nên anh phải thức trắng đêm để trông.
Gần một tuần qua, Nguyễn Trường Xuân phụ trách trông coi hơn 200 cây đào trên đường Tố Hữu vào ban đêm, công việc bắt đầu từ 19h đến tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Để đỡ vơi buồn, Xuân ngồi chơi điện tử khi ngồi canh đào.
"Sáng về tôi ngủ đến 2h chiều thì dậy đi chạy Grab kiếm thêm, đến 7h tối thì ra trông cho mọi người. Do hàng toàn cây quất nhỏ nên tôi phải coi trắng đêm, chẳng may mất cây nào phiền phức lắm. Mấy ngày nay trời bớt lạnh buốt còn đỡ khổ có hôm mưa lạnh lắm. Việc nhiều nhưng thôi cố gắng kiếm thêm thu nhập", Xuân chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.