Theo chia sẻ của các hộ dân trồng mai tại huyện Đăk Hà, thời gian qua, do thời tiết thất thường nên nhiều cây mai trong vườn bắt đầu rụng lá, nụ phát triển và ra hoa. Mặc dù người dân đã áp dụng nhiều cách để kìm hãm nhưng vẫn không khả thi.
Hàng loạt cây mai của gia đình ông Lê Văn Hảo, thôn 7, xã Đăk La, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) nở rộ dù chưa tỉa lá. Ảnh: Thu Hiền
Trong tâm trạng đứng ngồi không yên, ông Lê Văn Hảo - người có thâm niên hơn 25 năm trồng mai tại thôn 7, xã Đăk La cho biết, tình trạng này xảy ra có lẽ do thời tiết thất thường, sương muối nhiều và mùa mưa đến muộn nhưng kéo dài.
“Năm nay, mưa muộn nhưng nhiều nên chưa kịp lặt lá thì hoa đã nở rộ rồi. Gia đình tôi cũng đã đắp gốc, tỉa cành… nhưng vẫn không hiệu quả”- ông Hảo lắc đầu nhìn vườn hoa 400 gốc thì có hơn một nửa trong số đó đã nở rộ và có dấu hiệu tàn.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Giang (thôn 7, xã Đăk La) có thâm niên hơn 20 năm trồng mai cảnh nhưng cũng không lường trước được diễn biến của thời tiết năm nay để có biện pháp chăm sóc.
“Nhà tôi có gần 400 gốc mai thì hơn 300 gốc đã bung hoa và sắp tàn rồi. Gia đình tôi đã cố gắng dùng các phương pháp kỹ thuật riêng để giúp mai giữ nụ và ra hoa đúng thời điểm nhưng có lẽ không còn kịp để bán vào dịp Tết nữa rồi”- bà Giang nói.
Bà Giang cho biết thêm, những năm trước hoa nở đúng kì nên vườn mai nhà bà cho thu nhập lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Còn hơn một tuần nữa mới đến Tết nhưng hoa mai trong vườn đã nở rộ khiến gia đình bà không khỏi lo lắng.
Trong lúc nhiều hộ dân thấp thỏm lo âu vì tình trạng hoa nở sớm nhưng ông Nguyễn Văn Hòa (52 tuổi, trú thôn 12, xã Đăk Hring) vẫn trong tâm thế phấn khởi khi vườn hoa mai hơn 1000 cây của gia đình ông vẫn phát triển tốt nhờ bí quyết được tích luỹ trong hơn 30 năm qua.
Theo ông Hòa, để cây mai nở đúng dịp Tết ngoài việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phải cẩn thận và cầu kỳ suốt cả năm.
Đầu tiên là cây mai phải được tưới nước đầy đủ hằng ngày để gốc mai không bị khô, trung bình mỗi lần tưới thường kéo dài 2 tiếng đồng hồ.
Việc tưới nước cho mai phải thật kỹ càng, không phải chỉ tưới ở gốc mà phải tưới toàn bộ cây. Tuyệt đối không để cây bị thiếu nước nhiều ngày liên tục, vì như thế khi tưới nước lại cây mai sẽ ra hoa đột ngột.
Thời điểm lặt lá mai cũng là một trong những khâu quan trọng cho việc chọn thời điểm ra hoa. Người trồng mai phải chú ý vào thời tiết những ngày lặt lá cho mai để có thể xử lý kịp thời. Trước khi lặt lá, phải quan sát hai miếng vỏ ở phần ngoài của nụ đã rụng thì mới tiến hành lặt lá được.
Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) bên vườn mai của mình. Ảnh: Thu Hiền
Nói về việc nhiều hộ gia đình có mai bị nở rộ trước Tết, ông Hòa cho biết: Năm nay, hoa mai nở sớm do thời tiết thay đổi thất thường. Sau mỗi đợt mưa, đợt gió hay những hôm có sương muối hoa mai sẽ bị kích thích rồi nở sớm. Những hôm thời tiết như vậy tôi sẽ tưới nước kịp thời nhằm rửa trôi lớp nước mưa, sương muối đang bám trên cây. Khi trời trở gió tôi lại phủ bạt nilong để tránh gió cũng như tăng nhiệt độ cho cây.
Vì có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng nên vườn hoa của gia đình ông Hòa luôn căng tràn sức sống, nở đúng dịp Tết và là địa điểm quen thuộc của những người ưa chuộng hoa mai trong và ngoài huyện Đăk Hà.
Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, xã Đăk Hring, Đăk Mar, Hà Mòn là những nơi tập trung nhiều hộ dân trồng mai trên địa bàn huyện. Năm nay thời tiết thay đổi thất thường nên việc chăm sóc hoa mai của người dân gặp không ít khó khăn, trong khi đó, việc chăm sóc hoa mai đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật cũng như thời gian.
“Để hỗ trợ cho người trồng hoa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người trồng hoa trên địa bàn được bán tập trung tại khu đường phía trước trụ sở UBND huyện. Điều này vừa góp phần quan trọng trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cũng như tạo điểm nhấn cho huyện Đăk Hà trong dịp tết Quý Mão 2023”- ông Hưng cho biết thêm.