Khi tôi lớn lên cùng đám bạn trang lứa đã thấy cây nêu trước ngõ mỗi độ Tết đến xuân về

Trần Phong Thứ bảy, ngày 14/01/2023 05:12 AM (GMT+7)
Chẳng biết từ khi nào quê tôi có tục lệ dựng cây nêu, cúng tiễn ông Công ông Táo ngày Tết cổ truyền. Chỉ biết khi tôi lớn lên cùng đám bạn trang lứa đã thấy cây nêu trước ngõ mỗi độ Tết đến xuân về.
Bình luận 0

Xung quanh chuyện dựng cây nêu, cúng tiễn ông Công ông Táo ngày Tết cổ truyền cũng mang tính tâm linh, mà những lần tôi được nội kể lại khi theo chân nội ra bờ ao chặt tre..

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 1.

Phong tục dựng cây nêu ngày Tết làng quê, xua đuổi đi những điều xấu, điều không may mắn, mong một năm mới vạn sự bình an đến với mỗi gia đình. Ảnh: PV

 Vào dịp cuối năm, cỡ tầm 15 tháng chạp là nhà nào nhà nấy đã sục rục sắm cây nêu. Cây nêu được chọn là những cây tre, hóp có thân hình thẳng, cao, có tán lá phía ngọn càng sum suê càng tốt, khi đẵn cây không làm gãy ngọn và phát gọn phần dưới, để lại tán lá xanh phía trên rồi mang về. Những nhà không có sẵn tre, hóp thì phải đi xin hàng xóm, để nhất quyết đến ngày 23 tháng chạp là có dựng.

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 2.

Đồ lễ để cúng ông Công ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo, hương, hoa, quả, cau, trầu, một mâm cỗ được chuẩn bị đầy đủ. Ảnh: PV

 Theo tương truyền, ngày 23 tháng chạp hàng năm là ngày ông Công ông Táo được tự do về trời sau một năm cai quản bếp của mỗi nhà. Mẹ tôi xuống chợ mua đồ hàng mã họ đã bày bán sẵn như: quần áo giày dép, khăn mũ cho 3 vị Táo (2 ông, 1 bà ), rồi vàng lá, 3 con cá chép đỏ nho nhỏ, một miếng thịt mỡ bé xíu dù cả năm bọn trẻ chúng tôi lúc đó thèm nhỏ dãi vẫn không có tiền mua, rồi con cá chép tượng trưng cho phương tiện để các Táo cưỡi về trời.

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 3.

Cây nêu được dùng bằng cây tre già, lóng tre đều, còn nguyên lá tươi trên gọn, được treo cờ ngay bên dưới lá tre, bóng nháy được quấn quanh thân tre trông rất đẹp về đêm. Ảnh: PV

 Khi thầy cúng hoặc người trong nhà tự cúng xong thì đợi nhang trên bàn thờ cháy hết, cũng là lúc dỡ hết phần chân nhang, bột cắm trong lư đem xuống đổ vào tàu lá chuối chặt sẵn để hoá lửa. Việt hóa nhang hóa vàng, các thứ phải diễn ra trong nhà, hóa xong lau chùi sạch sẽ lư cắm nhang, lấy lại mỗi bát 3 cây nhang cũ rồi cho bột cắm mới vào, đặt lại vị trí ngay ngắn, coi như xong phần hoá nhang cũ.

Các phần còn lại là hóa (đốt) vàng lá, quần áo dày mũ cho 3 vị Táo, khi đã hóa xong, coi như Táo đã lãnh nhận, đến lượt gói tro lại đem ra sông chỗ dòng nước chảy xuôi thả xuống cùng 3 con cá chép đỏ. Thế là Táo đã về trời.

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 4.

Bắt đầu 23 tháng chạp người dân lại chuẩn dựng nêu, trước cổng nhà, đón một mùa xuân tràn ngập niềm vui. Ảnh: PV

 Quay về nhà khi thả xong bụi tro và cá chép là thời điểm dựng cây nêu. Dựng nêu cũng có tích xưa để lại rất hay. Trên ngọn cây nêu được buộc những đùm như: 1 miếng thịt mỡ sống, 1 nắm gạo, 1 nắm muối hột trắng, có nhà còn thắt thêm cả 1 giải nơ màu vàng .

Theo lời bà nội kể, sau khi Táo đã không còn ở lại dương gian, cũng là lúc không ai cai quản bếp núc, đồng thời các vị chư thần như, thần thổ địa, long mạch... cũng đã có thời gian đi ngao du, nên sinh ra chuyện ma quỷ đến quấy phá trong những ngày này.

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 5.

Dựng cây nêu ngày Tết là một nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ảnh: PV

Và những khẩu phần treo trên ngọn cây nêu chính là thức ăn cho ma quỷ, những vong hồn vất vưởng không được thờ phụng.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi tiếng pháo đang còn là đặc trưng của Tết, phía dưới cây nêu người ta thường buộc dây pháo tép vào, khi bài văn cúng mời tiên tổ về ăn Tết xong, cũng là lúc châm ngòi pháo.

Mùi nhang, mùi bánh mật quyện cùng mùi khói thuốc pháo tạo nên một không khí đặc trưng của Tết xưa.

Hồi ức dựng cây nêu, cúng tiễn ông Táo ngày Tết cổ truyền - Ảnh 6.

Con đường làng người dân dựng cây nêu, trang trí bóng nháy sẵn sàng đón xuân Quý Mão 2023. Ảnh: PV

Ngày nay, pháo nổ đì đùng không còn, xã hội phát triển, người ta thay pháo bằng những chùm đèn nháy, chùm hoa rực rỡ sắc màu, mấy ngày Tết đoàn gia đình sum họp, đến ngày 7/giêng là ngày cúng lễ hạ nêu, rước các thần Linh, thần Táo trở lại nhà. Người đi làm xa chia tay người ở lại, người nông dân xuống đồng yên tâm vì đã được các vị thần phù hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem