Dân Việt

Mứt gừng Mỹ Chánh-đặc sản Quảng Trị có gì đặc biệt mà sát Tết hết hàng, không nhận thêm đơn hàng?

Ngọc Vũ 15/01/2023 19:00 GMT+7
Với nhiều người, nhiều nghề thì bất cứ thời gian nào, có khách đặt hàng là nhận đơn để làm kiếm thêm thu nhập. Nhưng với người làng mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), cứ đến 25 tháng 12 âm lịch, thời khắc gần Tết họ kiên quyết không nhận đơn hàng.

Những ngày này, người dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cho khách kịp đón Tết Quý Mão 2023.

Mứt gừng Mỹ Chánh có gì đặc biệt mà sang chảnh, gần Tết là không nhận đơn hàng - Ảnh 1.

Sau khi rửa sạch, gừng tươi sẽ được người dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) bào (cắt lát mỏng). Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Võ Thị Tâm (52 tuổi), chủ cơ sở mứt gừng Tuấn Tâm cho biết, từ năm 1972, bố mẹ của bà đã làm mứt gừng. Sau đó, bà nối gót làm món ăn truyền thống này đến nay đã hơn 30 năm.

Bà Tâm cho biết, hàng năm, cứ đến cuối tháng 10 âm lịch, người dân thôn Mỹ Chánh bắt đầu nhận đơn làm mứt gừng để khách hàng xuất đi nhiều thị trường trên cả nước, thậm chí ra nước ngoài.

Mứt gừng Mỹ Chánh có gì đặc biệt mà sang chảnh, gần Tết là không nhận đơn hàng - Ảnh 2.

Công đoạn khó nhất là rim gừng, phải là người lành nghề mới được đảm nhận công việc này. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tuy nhiên, đến 25 tháng 12 âm lịch họ không nhận đơn đặt hàng nữa, tránh việc "ôm" không xuể, giao hàng chậm mất uy tín. Năm 2023, bà Tâm "chốt đơn" 40 tấn mứt gừng cho khách.

Cơ sở mứt gừng Mỹ Chánh của bà Tâm hiện có 50 người làm việc. Khi cao điểm, nhân lực tăng lên 70 – 80 người, làm cả đêm để phục vụ khách hàng. Thu nhập của công nhân làm mứt gừng từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng/ngày/người, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Mứt gừng Mỹ Chánh có gì đặc biệt mà sang chảnh, gần Tết là không nhận đơn hàng - Ảnh 3.

Những đứa trẻ đảm nhiệm việc làm khô mứt gừng sau khi rim. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Tâm cho biết, cách làm mứt gừng được làm thủ công, qua nhiều công đoạn từ rửa, gọt vỏ, bào thành lát gừng, rửa, luộc gừng với nước chanh và xả lại bằng nước sạch, ướp gừng với đường, rim gừng,... Muốn mứt gừng ngon, cay, màu vàng, sáng đẹp phải có bí quyết, quan trọng nhất là phải luộc gừng với nước chanh.

Mứt gừng Mỹ Chánh có gì đặc biệt mà sang chảnh, gần Tết là không nhận đơn hàng - Ảnh 4.

Mứt gừng sau khi được làm khô sẽ chờ cho nguội trước khi đóng gói. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trong các công đoạn làm mứt gừng thì công đoạn rim gừng cho đến khi cô đặc đặc biệt khó, phải là người có tay nghề cao, kinh nghiệm mới được đảm nhiệm. Bí quyết giữ mức lửa như thế nào cho hợp lý để gừng chín tới, không cháy là điều khó khăn. 

Ở mỗi giai đoạn, xoong rim gừng sẽ được chuyển bếp một lần (mỗi bếp lửa có một nhiệt độ khác nhau). Trộn đều gừng với đường theo tỷ lệ hợp lý để mứt gừng có vị cay nồng nhẹ, thơm đặc trưng là bí quyết của người Mỹ Chánh.

Mứt gừng Mỹ Chánh có gì đặc biệt mà sang chảnh, gần Tết là không nhận đơn hàng - Ảnh 5.

Chủ cơ sở làm mứt gừng cười tươi vì nghề làm mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ảnh: Ngọc Vũ.

Lãnh đạo UBND xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, địa phương hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất mứt gừng, trong đó có khoảng 10 cơ sở vừa và lớn. Món mứt gừng Mỹ Chánh từ lâu đã nổi tiếng bởi sự dân dã, mộc mạc nhưng lại phù hợp khi uống với nước trà, nước chè, dùng đãi khách các dịp lễ, tết. Chính vì vậy, nghề làm mứt tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công thời vụ vào thời điểm trước Tết.