Đây là loài cá đặc sản nuôi lớn bán cho nhà giàu, dân Quảng Trị đang ra biển vớt cá non bán kiếm tiền

Thứ năm, ngày 17/11/2022 05:19 AM (GMT+7)
Hằng năm, khi mùa mưa bão bắt đầu cũng là thời điểm nhiều người dân ở các xã vùng bãi ngang, cửa lệch tỉnh Quảng Trị rủ nhau đi “săn” cá nâu con về bán cho các chủ đầm, ao hồ nước lợ hoặc các hộ nuôi cá lồng bè trên sông để làm cá giống.
Bình luận 0

 Tuy là nghề thời vụ, chỉ kéo dài tầm 2 - 3 tháng nhưng đã đem lại thu nhập khá cao cho nhiều người dân vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Trị.

Mùa mưa bão khiến nước sông ở các vùng ven biển, cửa lệch đục ngàu, chảy xiết. Đối với cá nâu đã lớn thì môi trường nước đó không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng, kiếm ăn. Thế nhưng lại làm cá nâu con vốn trú ngụ, sinh sống, kiếm ăn gần bờ gặp nhiều bất lợi.

Cá nâu con hệ hô hấp còn yếu nên khó sinh sống trong môi trường nước đục, nhiều tạp chất và thiếu ô xy. 

Bên cạnh đó, các giác quan chưa nhạy nên cá nâu con khó kiếm ăn trong môi trường nước đục. Chính vì thế, cá nâu con thường nổi lên mặt nước sát bờ để thở, tìm đến các dòng nước trong từ ao, hồ chảy ra để tập trung sinh sống, kiếm ăn.

Nắm được đặc tính kiếm ăn, sinh sống của cá nâu con nên nhiều người dân ở các xã ven biển, vùng cửa lệch đã dùng vợt loại ô lưới nhỏ lội bộ hoặc chèo thuyền dọc bờ sông để bắt về bán giống. 

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là mùa sinh sản của cá nâu và thời điểm này cá nâu con vào bờ trú ngụ, kiếm ăn theo đàn với số lượng nhiều nên vợ chồng tôi dễ dàng bắt được hàng trăm con mỗi ngày.

Giá cá nâu con bán làm giống dao động từ 1 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng/con tùy theo kích cỡ, nhưng thông thường mức bình quân khoảng 1 - 2 nghìn đồng/con, loại dài khoảng 0,8 - 1,5 cm. 

'Hơn nữa khoảng thời gian này chúng tôi cũng khá nhàn rỗi vì mùa biển động ít ra khơi thường xuyên. Chỉ cần chiếc vợt nhỏ, thùng xốp hoặc xô nhựa có gắn máy tạo ô xy là có thể rong ruổi cả ngày khắp các triền sông bắt cá nâu con về bán làm giống”, anh Lê Việt Tuấn, thôn An Xuân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết.

Đây là loài cá đặc sản nuôi lớn bán cho nhà giàu, dân Quảng Trị đang ra biển vớt cá non bán kiếm tiền - Ảnh 2.

Cá nâu giống được nuôi chung với các loại cá, tôm khác đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân nuôi thủy sản của tỉnh Quảng Trị- Ảnh: N.B

Cá nâu có tên khoa học là Scatophagus argus, phân bố ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Cá nâu có thân dẹp, lưng hình vòm, toàn thân có vảy lược nhỏ với các đốm tròn màu nâu, đen xen kẽ.

Cấu tạo phần đầu là dấu hiệu rõ ràng nhất để phân biệt cá đực và cá cái. Theo đó phần đầu cá cái là một đường thẳng còn phần đầu cá đực gấp khúc. 

Cá cái có màu xanh ô liu, cá đực màu xám đen. Thức ăn của cá nâu chủ yếu là rong tảo, rong câu, giáp xác, phù du và thức ăn viên. Cá nâu sinh sống trong các khe đá, rạn san hô, cửa cống ao đầm nước lợ, mặn.

Cá nâu thường sinh sản sau 1 năm tuổi, đạt trọng lượng khoảng 300 - 350g. Vào mùa sinh sản (từ tháng 7 - 10 âm lịch), cá thường bắt cặp và di cư ra những rạn san hô, nơi có độ mặn cao để sinh sản. Trứng cá sau đó trôi nổi theo con nước và ở nhiệt độ 27 - 28 o C, sau 17 - 20 giờ trứng sẽ nở.

Cá nâu con sau khi nở sẽ trôi dạt vào các cửa sông, vũng, vịnh ven bờ, sử dụng tảo, động vật phù du làm thức ăn. 

Ở tỉnh Quảng Trị, cá nâu phân bổ nhiều, tập trung ở vùng bãi ngang, cửa biển, cửa lệch, các ao, đầm nước lợ tự nhiên. Cùng với tôm, cua, cá nâu là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao nên được nhiều người nuôi trong các ao đầm tự nhiên, nuôi lồng bè, ao nuôi công nghiệp.

Nhiều tháng nay, trên các nhánh sông ven biển, từ tờ mờ sáng đến tận tối đều dễ dàng bắt gặp người dân đi bắt cá nâu con. 

Để bắt được nhiều cá, đòi hỏi người làm nghề này phải kiên nhẫn, tinh mắt, nhanh nhạy, không được gây tiếng động lớn bởi dễ làm cá trốn chạy. Đồng thời, phải nắm rõ thời gian thủy triều lên xuống, nguồn nước, nơi cá thường trú ngụ, kiếm ăn. 

Bình quân mỗi người có thể kiếm được 300 - 350 nghìn đồng từ việc bắt cá nâu con bán giống, có người thu nhập từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày khi trúng đàn cá nâu con liên tục.

“Nếu bắt cá nâu con để ăn hay chế biến thực phẩm thì đúng là tận diệt nguồn thủy sản nhưng ở đây chúng tôi bắt cá nâu con để bán giống. 

Người mua sẽ nuôi để bán thương phẩm, gây dựng đàn trong ao hồ tự nhiên và quá trình nuôi, cá nâu sẽ tiếp tục sinh sản, mỗi năm cá nâu cái đẻ một lần duy nhất với hàng nghìn trứng nên không lo sợ loài cá này bị xóa tên”, anh Trương Văn Tiện, thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong nói.

Những người làm nghề thời vụ bắt cá nâu con trên địa bàn tỉnh không lo về nguồn tiêu thụ bởi bắt được bao nhiêu thì các chủ hồ, hộ nuôi cá lồng bè, thương lái đều mua hết. 

“So với các nâu giống ươm công nghiệp thì cá nâu con tự nhiên dùng làm giống có nhiều ưu thế vượt trội như: ngoại hình đẹp, lanh lợi trong kiếm ăn, đề kháng cao, nuôi nhanh lớn, chất lượng thịt ngon hơn. Chính vì thế các chủ đầm tự nhiên, các hộ nuôi cá lồng bè rất ưa chuộng và ưu tiên thu mua cá nâu con về làm giống.

Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, tôi đều mua hàng nghìn cá nâu con được bắt ngoài tự nhiên về thả trực tiếp vào ao nuôi cùng tôm, cua. Cá nâu con lớn nhanh, khỏe mạnh và sau 6 - 8 tháng là đã cho thu hoạch, trọng lượng đạt khoảng 250 - 350g/con, mỗi kilogam có giá hơn 300 nhìn đồng. 

Nếu nuôi trong tự nhiên trên 1,5 năm thì trọng lượng mỗi con đạt khoảng 600 g thậm chí là 1kg, loại này có giá từ 450 - 550 nghìn đồng/kg”, anh Trương Văn Lạc, thôn Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong chia sẻ.

Nghề bắt cá nâu con bán làm cá giống tuy mang tính thời vụ nhưng đã đem đến nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người dân ở các xã vùng bãi ngang, cửa lệch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời góp phần cung cấp con giống chất lượng cho các chủ đầm tự nhiên nhằm nhân rộng nguồn lợi thủy sản này theo hướng bền vững...

Vân Trang (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem