Từ bao đời nay, món rau xôi (hay rau rừng đồ) đã trở thành một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn (Phú Thọ).
Người Mường quan niệm, rau đồ khác với các món ăn từ rau khác là sẽ giữ được hương vị của các loại rau.
Món rau xôi (rau rừng đồ) được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, thông thường, đồng bào sẽ hái các loại rau quanh nhà như: rau lang, rau bí, rau dền cơm, rau ngải cứu, lá tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa chuối rừng, rau cải đồng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Chúng được sử dụng để tạo ra vị đắng cho các món ăn.
Về cách chế biến, các loại rau sau khi rửa sạch, được thái nhỏ, mỏng, trộn đều, rồi đồ lên bằng chõ gỗ. Chờ cho nước sôi thì cho rau vào chõ gỗ để đồ. Sau khoảng 15- 20 phút, khi ngửi thấy mùi thơm của các loại rau, đặc biệt là lá lốt, có nghĩa là rau đã chín.
Rau được đồ chín bằng hơi nên không nát, khi chín những loại rau này vẫn giữ được sắc màu, rất xanh, rất đậm đà.
Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá đu đủ.
Để món rau đồ thêm đậm đà thì phải được ăn kèm với nước chấm lòng cá. Để tạo thành nước chấm này, người chế biến phải chuẩn bị: lòng cá, nghệ, ớt, cà chua, hành lá và mẻ. Các nguyên liệu được chưng lên, khi sánh lại là được.
Mâm cỗ của người Mường gồm có nhiều món nhưng không thể thiếu món rau xôi. Từ xưa đến nay, rau xôi không chỉ là món ăn truyền thống của người Mường mà còn là vị thuốc bởi những loại rau xôi có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể...vì thế món rau xôi rất được đồng bào ưa chuộng.