Cây sầu riêng được trồng đầu tiên ở Việt Nam vào khoảng 100 năm trước. Cây giống có nguồn gốc từ Indonesia và khu vực được trồng đầu tiên đó chính là Biên Hòa (Đồng Nai), sau đó trồng rộng rãi ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Các giống sầu riêng cũ ở Tây Nguyên có hạt to, cơm mỏng, thường được gọi là “sầu riêng hạt” hay “sầu riêng truyền thống”.
Ở Đắk Lắk, sầu riêng truyền thống nổi tiếng bởi có hương vị đặc trưng riêng, độ dẻo sánh cao và vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, không gắt.
Vườn sầu riêng Dona gần 20 năm tuổi của anh Đặng Dậu Anh (thôn 3, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).
Cùng với sự phát triển của thị trường trái cây, sầu riêng bắt đầu được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, những giống mới cho năng suất tốt, có giá trị hàng hóa cao hơn bắt đầu được nghiên cứu, lai tạo hoặc nhập giống về nhân rộng ở nhiều vùng miền.
Trong đó phải kể đến Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) thực hiện dự án của Chính phủ đầu tư cây ăn trái chất lượng cao cho 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai (giai đoạn 1997 - 2004).
Đây cũng là đơn vị tiên phong đưa sầu riêng Dona vào sản xuất và tạo nên giá trị thương hiệu cho sầu riêng Dona Đắk Lắk xuất khẩu như hiện nay.
Tại Đắk Lắk Công ty Dona - Techno đã đầu tư trên diện tích 3.189 ha, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng, được trồng tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Ea H’leo, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ... Thời điểm năm 1997, khi Công ty Dona - Techno đang chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng sầu riêng thì giá cà phê thấp, tỉnh khuyến khích trồng xen một số ít cây ăn trái trong vườn cà phê (20 - 30 cây sầu riêng/ha cà phê) nhằm giúp người dân có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, giống cây sầu riêng Dona lúc này còn quá mới mẻ nên người dân cũng chưa mặn mà.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Dona - Techno Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu sầu riêng chất lượng cao nhưng thấy được giá trị cũng như triển vọng của loại cây này nên Công ty đã đưa cán bộ có chuyên môn tới tận vườn sầu riêng tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc; hỗ trợ cây giống mới để trồng thay thế số lượng cây bị chết, nhiễm bệnh…
Nhờ đó, năm 2002, một số diện tích sầu riêng Dona đã trải qua giai đoạn kiến thiết cơ bản, tuy lúc đó chưa mang lại hiệu quả kinh tế như bây giờ, nhưng với đặc thù quả to, cơm vàng hạt lép khác với trái sầu riêng truyền thống đã khiến người dân có cách nhìn mới về loại quả này.
Từ năm 2017, cây sầu riêng đã khẳng định được vị thế của mình tại mảnh đất bazan, nhất là giống sầu riêng Dona. Trong hơn 3.189 ha sầu riêng Dona được đưa về trồng tại Đắk Lắk, có 600 ha được trồng xen cà phê ở quy mô đại điền giữa vườn cà phê của Nông trường Cà phê Phước An (nay là Công ty Cà phê Phước An).
Một trong những hộ dân trồng sầu riêng đầu tiên tại Nông trường Cà phê Phước An là ông Trần Đình Hải (thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông) cho hay, năm 2004 được Công ty Dona - Techno hỗ trợ về giống, kỹ thuật, quy trình chăm sóc sầu riêng, ông đã trồng 144 cây sầu xen 1,16 ha cà phê. 4
Tới năm 2017, khi sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, gia đình đầu tư mua thêm 130 cây giống sầu riêng Dona để trồng xen trên diện tích 1 ha cà phê của gia đình.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ hai, bên trái) thăm vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Cũng tại thời điểm đó, khi người dân địa phương còn đang e ngại về phát triển cây sầu riêng, thì ông Lê Trung Hiệp (thôn 19/8, xã Ea Yông) đã chủ động đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng nhằm tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2004, ông Hiệp mạnh dạn mua giống sầu riêng Dona về xen canh trên diện tích 1,5 ha vườn của gia đình. Ngoài sầu riêng Dona, sau này ông Hiệp còn trồng thêm sầu riêng Musang Kinh. Đến nay, trung bình mỗi năm ông thu được 35 tấn sầu riêng, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết: Thời gian đầu cây sầu riêng chỉ trồng xen trong vườn cà phê, hiệu quả kinh tế không cao. Có những thời điểm người dân chặt bỏ, hoặc chỉ trồng làm quà biếu, bán lẻ cho thị trường trong huyện.
Khi được thị trường biết đến, thương lái tìm đến địa phương mua sầu riêng ngày càng nhiều, người dân mới tìm hiểu và thấy cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng (đặc biệt là sầu riêng Dona) nên đã mạnh dạn nhân rộng mô hình. Hiện nay tại huyện Krông Pắc, sầu riêng là loại cây có giá trị, sản lượng cao, diện tích lớn, huyện xác định đây là loại cây chủ lực của địa phương.