Bồn bồn còn được gọi là cây cỏ nến, cao trên dưới 2 mét, mọc hoang ven rìa đầm lầy nước ngọt các tỉnh phía nam như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang. Phấn hoa bồn bồn dùng để chữa bệnh dưới tên gọi bồ hoàng.
Trong khi việc tận thu bồ hoàng ít được chú ý vì các nhà thuốc vẫn quen nhập ngoại, thì phần gốc bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon ngày càng được khai thác rầm rộ.
Lợi ích nhiều mặt của bồn bồn đã xui tỉnh Cà Mau đặt chỉ tiêu đến năm 2015 trồng cho được 3.000 ha bồn bồn, quyết biến dưa bồn bồn thành thương hiệu đất mũi. Nhiều nơi nông dân ưu tiên trồng bồn bồn kết hợp nuôi tôm tép, cá đồng phục vụ nhà hàng đặc sản, lời gấp vài lần trồng lúa.
Tháng 6 đến tháng 11 nước nổi, cũng là mùa hái bồn bồn. Lội xuống đầm bồn bồn mọc dày, nắm ngọn lôi mạnh là tuột lên cả phần củ hũ. Tước bẹ lá bên ngoài, còn lại phần lõi trắng muốt, rửa sạch chẻ nhỏ là có thể chế biến thành nhiều món ngon.
Hấp dẫn nhất là món dưa chua bồn bồn.
Bồn bồn chẻ tư nén chặt vào hũ, đổ ngập nước vo gạo loãng pha chút muối, đường, tỏi, ớt, dăm ba bữa sau vị chua ngấm dịu ngậy, vớt ra rửa sạch vắt ráo ăn sống, hay xào giòn với tỏi, nấu canh chua cá dứa, cá bông lau hay cá ba sa, thả vào nồi lẩu hải sản hay làm gỏi với tôm tép đều ngon.
Bữa tối dân dã nhất, đậm đà hương vị mùa nước nổi mà tôi được thưởng thức ở Đồng Tháp Mười thật đơn sơ, nhưng ngon lạ thường: Nồi cơm gạo mới dẻo thơm, nóng hổi xới liền liền từng chén đầy, ăn với bồn bồn muối chua thơm giòn xào tép tươi ngọt lịm, thố cá rô đồng béo ngậy kho tiêu cay nồng, điểm mấy thứ rau sống xanh mướt mới hái bên bờ ruộng uềnh oang tiếng ếch...
Cô chủ nhà má đỏ hồng khói bếp mỉm cười trước mớ tô đĩa được vét sạch sành sanh. Khách chữa thẹn, ư ử ngâm:
Bồn bồn kẹp với cá kho/ Khuya nay có kẻ thèm mò vét niêu...
Võng khách kẽo kẹt. Cô chủ bê mâm ra sau thềm vàng óng trăng non. Chiếc ghe nào roàn roạt rẽ nước phía đầm xa, văng vẳng câu hò trong hương đêm Đồng Tháp:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.