Dân Việt

Một loại rau gia vị đang hot ở Việt Nam, bán ra nước ngoài, nơi nào trồng nơi đó nông dân đổi đời

Mộc Lan 01/02/2023 12:48 GMT+7
Sản phẩm rau tía tô đang là mặt hàng có giá trị không chỉ với thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước, cho người trồng loại rau gia vị này cơ hội đổi đời

Lá tía tô từ lâu đã là một loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày không chỉ của các gia đình người Việt, mà còn của các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... 

Ngoài công dụng làm thực phẩm, tía tô còn được biết đến là một loại thảo dược chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả. Vì thế, các sản phẩm tía tô đang là mặt hàng có giá trị không chỉ với thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước, cho người trồng cơ hội đổi đời.

Được xem là lá thuốc quý

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens. Cây thảo, cao 0,5-1 m. Lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám. Hoa nhỏ mọc thành xim co ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối. 

Quả tía tô bé, hình cầu. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông. Giống tía tô của Triều Tiên hay Nhật Bản có hai mặt đều xanh, giá trị cao để xuất - nhập khẩu.

Trồng tía tô xanh: Triển vọng xuất khẩu - Ảnh 1.

Sản phẩm lá rau tía tô thu hoạch cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu

Theo nhiều nghiên cứu, lá tía tô có hàm lượng dầu khoảng 40%, trong đó có một lượng lớn axít béo chưa bão hòa, chủ yếu là axít alpha-linoleic. 

Cây tía tô còn chứa 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan... Chiết xuất từ tía tô được phát hiện có nhiều công dụng khác nhau. Nó có thể phá các chất chống ôxy hóa, chống dị ứng, chống viêm hoặc chống trầm cảm. 

Chất này không hề gây dị ứng và có thể chống lại các khối u. Mọi bộ phận trên cây tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá cây có vị cay ấm nên thường sử dụng để chữa cảm mạo, sốt, ho, làm cho ra mồ hôi. Quả cây tía tô điều trị ho, làm long đờm. 

Thậm chí, cành cây tía tô còn có tác dụng an thai. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh khả năng của dịch chiết từ lá tía tô trong việc ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 theo nhiều cách khác nhau.

Đối với người Nhật, lá tía tô không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của họ, đặc biệt là các món gỏi cá sống vì tính ấm, vị hơi cay của nó có khả năng trung hòa tính hàn của cá sống. 

Đối với người dân Nhật Bản, lá tía tô không chỉ là loại rau bổ dưỡng có nhiều công dụng cho sức khỏe mà còn gắn liền với những truyền thống tạo nên đời sống tinh thần của người Nhật. Vì thế, đây là thị trường lý tưởng để xuất khẩu lá tía tô với giá đắt đỏ.

Rau tía tô-Cây trồng tiềm năng

Nhận thấy lợi ích của tía tô cũng như khả năng phát triển kinh tế của loại rau này có thể xuất khẩu đi nước ngoài với giá bán rất cao, một số tỉnh, thành đã cho trồng thử nghiệm mô hình tía tô xanh (giống của Nhật) theo các tiêu chuẩn VietGAP, GrobalGAP để bảo đảm đúng chất lượng đầu vào theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Gia đình anh Lê Văn Phương hiện là hộ duy nhất trồng tía tô xanh ở xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chỉ sau hơn 2 tháng, đến nay diện tích hơn 360 m2 trồng tía tô xanh thử nghiệm của anh đã cho thu hoạch nhiều lứa. Anh cho biết tía tô xanh rất dễ trồng và chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu không lớn như trồng các loại rau khác. 

Thời gian thu hoạch tía tô xanh lại kéo dài từ 7-9 tháng. Cây tía tô xanh cũng rất ít khi bị sâu bệnh, chỉ thỉnh thoảng bị rệp muội, nên năng suất khá ổn định.

Hiện nay, lá tía tô xanh đang được gia đình anh bán với giá 18.000 đồng/kg. Nhận thấy loại cây này dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và hiệu quả kinh tế tương đối cao nên gia đình anh Phương quyết định sẽ trồng thêm khoảng 1.500 m2 cây tía tô xanh vào mùa hè.

Xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cũng đang thực hiện các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với dự án trồng tía tô trong nhà kính, diện tích 8 ha, để xuất khẩu qua Nhật. 

Chị Nguyễn Thu Huyền, cán bộ kỹ thuật của mô hình, cho biết: "Lá tía tô xanh để xuất khẩu được phải bảo đảm kích thước giống nhau, không rách nát. Lá được chọn xuất khẩu là từ lá thứ 7 trở lên của cây, kích cỡ 6-8 cm".

Trồng tía tô xanh: Triển vọng xuất khẩu - Ảnh 2.

Mô hình trồng tía tô tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh Ảnh: TRẦN DUNG

Mô hình trồng cây tía tô xuất khẩu của Công ty Fresh Mekong trên diện tích 1,25 ha tại xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được thực hiện từ tháng 2-2019. 

Ông Trương Huy, phó giám đốc công ty này, cho biết giống tía tô xanh Nhật Bản có thể trồng quanh năm, song thời vụ chính gieo giống tháng 7 và tháng 12 hằng năm. Sau khi trồng khoảng 1,5 tháng cho thu hoạch lá với năng suất dao động từ 15 - 20 tấn/ha. 

Giá thu mua lá tía tô hiện được công ty bao tiêu bình quân từ 12.000-16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi trên dưới 20 triệu đồng/công/vụ.

Không chỉ được đánh giá là loại cây trồng tiềm năng, mô hình trồng cây tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc đang được xem là triển vọng, sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân, giúp họ chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn. 

Tại Việt Nam, tía tô có nhiều giống khác nhau, mọc tự nhiên và được trồng ở khắp nơi trên cả nước nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình và Hà Nội. Ở TP HCM, tía tô được trồng nhiều ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. 

Tuy nhiên, cây thảo dược này chủ yếu được trồng dưới dạng nhỏ lẻ, số lượng ít nhằm tiêu thụ thị trường trong nước. Những năm gần đây, mô hình trồng cây tía tô được nông dân quan tâm với nhiều ưu điểm: không đòi hỏi kỹ thuật cao, thời gian thu hoạch kéo dài, được các công ty bao tiêu sản phẩm, quy trình trồng thân thiện với môi trường...