Thống kê về hoạt động tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhà quản lý tiền tệ đã hút về 15.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO) trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 3/2).
Trong phiên này, có 3 trong 6 thành viên tham gia trúng thầu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất trúng thầu 5,79%/năm.
Cũng trong phiên này, Ngân hàng Nhà nước cũng bơm ra hơn 2.400 tỷ đồng thông qua kênh OMO, với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất lên tới 6%/năm – cao hơn mức lãi suất hút tiền về kể trên.
Như vậy, đây là phiên hút ròng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023, với mức hút ròng khoảng 12.600 tỷ đồng, kết thúc chuỗi 5 phiên bơm ròng trước đó.
Cụ thể, theo thống kê của Dân Việt, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tổng cộng gần 80.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở trong 5 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán.
Nếu tính cả phiên giao dịch ngày 3/2, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 80.800 tỷ đồng trong 6 phiên, đồng thời cũng thực hiện hút về 15.000 tỷ đồng.
Như vậy, lượng tiền bơm ròng ra thị trường từ hoạt động bơm-hút 6 phiên vừa qua, ở mức 65.800 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới phân tích, thanh khoản của hệ thống đã bớt dồi dào hơn trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục linh hoạt sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Đáng chú ý, dù nhà quản lý tiền tệ thực hiện bơm một khối lượng tiền lớn hỗ trợ thanh khoản, song lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn "căng", đã xuất hiện mức lãi suất lên tới 13%/năm.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật đến ngày 2/2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17 điểm% so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết và cao hơn khoảng 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng tăng đột biến ở các kỳ hạn dài. Trong đó, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất lên tới 11,45% và 13%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng. Trong khi trước đó, lãi suất của các kỳ hạn này chỉ lần lượt quanh mức 10,7% và 9,61%/năm.
Giới phân tích dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian tới.
"Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc thì lãi suất trong nước mới có thể hạ nhiệt – có thể là trong nửa cuối năm 2023", bộ phận phân tích SSI nhận định.
Các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến thanh khoản/lãi suất bao gồm: Áp lực tăng lãi suất USD do Fed có thể thực hiện thêm một số đợt tăng lãi suất nữa; số dư huy động vốn đang thấp hơn dư nợ tín dụng vào cuối năm 2022; một số yêu cầu về các tỷ lệ an toàn hoạt động (LDR, MLTL,…); và lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2023.
Theo ước tính, sẽ có khoảng 185 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng) sẽ đến hạn trong năm 2023, phần lớn trong số đó đến hạn vào tháng 1, tháng 5 cho tới tháng 8 và tháng 12.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.
Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, theo các chuyên gia, để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm.
Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.