"Mặc cả" lãi suất tiết kiệm cao nhất gần 13%/năm, "sóng ngầm" lãi suất bao giờ hạ nhiệt?

H.Anh Thứ sáu, ngày 03/02/2023 14:23 PM (GMT+7)
Theo khảo sát của PV Dân Việt, biểu lãi suất tiết kiệm công khai của nhiều ngân hàng đã về mức tối đa 9,5%/năm. Thế nhưng, "sóng ngầm" về lãi suất vẫn chưa hạ nhiệt khi khách hàng được "mặc cả" với lãi suất tiết kiệm cao nhất gần 13%/năm, cao hơn nhiều so với biểu niêm yết.
Bình luận 0

Sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm 2022, lãi suất huy động hiện tại đã ổn định hơn, với mặt bằng vào khoảng 8,0-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng - giảm khoảng 0,5 điểm % so với cuối năm 2022.

Trong trường hợp tích cực, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022, tuy nhiên các chuyên gia SSI đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết.

Thanh khoản vẫn "căng", khách hàng - ngân hàng "đi đêm" lãi suất tiết kiệm

Thực thế, khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng sau Tết Nguyên đán của PV Dân Việt cho thấy, lãi suất đang hạ nhiệt. Nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1-1%/năm đối với lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Như tại Techcombank, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất từ mức 9,5%/năm trước Tết nay chỉ còn 9,2%/năm.

Tương tự tại PVCombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất ở thời điểm hiện tại chỉ còn 9,5% đối với các khoản tiền gửi qua kênh online, mức lãi suất trước đó khách hàng được hưởng là 9,9%/năm.

OceanBank - một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.

Hàng loạt đơn vị điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm khác như Saigonbank, BaoVietBank, OceanBank, DongABank, BacABank, Viet Capital Bank,…

Còn tại nhóm ngân hàng Big 4 là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tại quầy với kỳ hạn 12 tháng đồng loạt là 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.

 "Mặc cả" lãi suất tiết kiệm cao nhất gần 13%/năm, "sóng ngầm" lãi suất bao giờ hạ nhiệt? - Ảnh 1.

"Sóng ngầm" lãi suất tiết kiệm vẫn chưa hạ nhiệt.

Điều đáng nói, lãi suất kể trên trên chỉ nằm trên biểu lãi suất công khai của các ngân hàng. Trên thực tế, "sóng ngầm" lãi suất chưa hạ nhiệt. Biểu hiện là, khách hàng được "mặc cả" lãi suất khi gửi tiết kiệm không chỉ tại các ngân hàng quy mô nhỏ mà còn diễn ra tại ngân hàng tư nhân thuộc Top đầu của hệ thống.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị H.G (nhân viên của một trong số ngân hàng thương mại cổ phần Top đầu hệ thống) cho hay, lãi suất tiết kiệm cao nhất chi nhánh mà chị đang công tác được "mặc cả" với khách hàng lên tới 11,2%/năm - cao hơn gần 2%/năm so với biểu niêm yết công khai.

Để hưởng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất này, khách hàng phải gửi từ 1 tỷ đồng. Với các khoản tiền gửi nhỏ từ vài chục đến 100 triệu, khách hàng có thể được hưởng lãi suất tiết kiệm cao nhất 9,7%/năm nếu gửi tiết kiệm 12 tháng và xấp xỉ 9%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.

Vừa gửi 300 triệu đồng tại ngân hàng V, chị Hoa (Hoài Đức, Hà Nội) cũng được cơ cấu lãi suất 9,7%/năm.

Thậm chí, chị L.T (Cầu Giấy, Hà Nội) còn được mời gửi tiết kiệm với lãi suất 12,5%/năm với khoản tiền gửi 12 tháng và gần 13%/năm với kỳ hạn 15 tháng.

Bao giờ lãi suất tiết kiệm hết nóng?

Theo giới phân tích, "sóng ngầm" lãi suất chỉ hết "nóng" khi điểm nghẽn về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, do đó, lãi suất trong nước chưa thể giảm ít nhất trong 6-12 tháng tới.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm 2023.

Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, năm 2023 này NHNN sẽ tiếp tục sử dụng lại kênh phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát tiền tệ ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời sử dụng kênh chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn và khối lượng phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình vốn khả dụng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn vay vốn trên thị trường liên ngân hàng góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có các động thái bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Cụ thể, trong 5 phiên giao dịch kể từ 27/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán) đến 2/2, NHNN đã bơm ra khoảng 80 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở. Trong đó, 2 ngày cao điểm, nhà điều hành cũng đã bơm ra trên dưới 24.000 tỷ đồng/ngày để can thiệp thị trường vào 31/1 và 1/2.

 "Mặc cả" lãi suất tiết kiệm cao nhất gần 13%/năm, "sóng ngầm" lãi suất bao giờ hạ nhiệt? - Ảnh 3.

Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam cho rằng, vào tháng 5/2023 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải "đua" lãi suất theo lãi suất của đồng USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để Việt Nam đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô.

"Chính sách tiền tệ phải chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. Vượt qua thách thức, chịu đựng "đau thương" trong quý I và quý II/2023. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn này vẫn phải đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế", vị chuyên gia lưu ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem