Fed tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2022: Ngân hàng Nhà nước sẽ "ứng xử" thế nào?

H.Anh Thứ bảy, ngày 04/02/2023 09:26 AM (GMT+7)
Theo giới phân tích, việc Fed tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2022 cho tới nay, làm giảm bớt gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ. Đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và Ngân hàng Nhà nước dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Bình luận 0

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2023, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục có động thái tăng lãi suất ở tốc độ chậm lại, 25 điểm cơ bản - thấp nhất kể từ tháng 3/2022 cho tới nay.

Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng

Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, với kế hoạch dừng tăng lãi suất trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế Mỹ có triển vọng kém tích cực đã khiến cho chỉ số DXY tiếp tục có diễn biến hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh 20 năm từ hồi tháng 10/2022.

Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng diễn biến này sẽ giúp giảm áp lực mất giá đối với VND trong năm nay, giúp cho VND sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022.

Fed tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2022, Ngân hàng Nhà nước nên "ứng xử" thế nào? - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC

Thực tế, tính tới hết tháng 1/2023, VND đã tăng trở lại 0,75% so với USD (so với cuối năm 2022). Lãi suất ở mặt bằng cao cùng chỉ số DXY hạ nhiệt là những yếu tố đang hỗ trợ cho sự lên giá của VND.

Không chỉ VND mà tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) cùng có chung diễn biến lên giá so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan là đồng tiền có diễn biến tăng giá cao nhất 4,76%.

Việc đồng VND vẫn có diễn biến lên giá trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái mua USD trở lại (theo một số nguồn tin) cho thấy áp lực tỷ giá từ ngoại cảnh đang giảm bớt. Kết hợp cùng việc kiểm soát được chỉ số CPI trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

"Lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, chúng tôi cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng", các chuyên gia BVSC nhận định.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II/2023, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.

Trước động thái Fed tăng lãi suất chậm lại, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh hiện nay Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn.

Giữ quan điểm lạc quan, chuyên gia đến từ Economica Việt Nam cũng cho rằng, việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất lần này chưa thể cho thấy hết lộ trình tiếp theo sẽ như thế nào. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực, giảm bớt một chút gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay của nhà quản lý tiền tệ, đặc biệt là giảm áp lực phải tăng lãi suất. Đồng thời, áp lực về tỷ giá cũng sẽ giảm đi, không còn quá nặng nề như giai đoạn trước.

Fed tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2022, Ngân hàng Nhà nước nên "ứng xử" thế nào? - Ảnh 3.

Fed tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 3/2022, áp lực điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước giảm bớt.

Bao giờ chính sách tiền tệ "đổi chiều"?

Trên thực tế, việc Fed tăng lãi suất chỉ ở mức 0,25 điểm % trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2023 đã nằm trong nhiều dự báo của giới phân tích.

Cũng từng nêu quan điểm cho rằng, trong kỳ điều chỉnh lãi suất vào tháng 2/2023, Fed chỉ tăng lãi suất khoảng 0,25 điểm %, thay vì 0,5 điểm như kỳ điều chỉnh trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam dự báo, sẽ còn hai lần tăng lãi suất nữa trong năm 2023 là vào tháng 3 và tháng 5.

"Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5 - 5,25% cho đến cuối năm 2023", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Như vậy, theo ông Thành Việt Nam vẫn có "cửa hẹp" trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

"Đến thời điểm tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam không phải đua lãi suất theo lãi suất của USD, và áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để chúng ta đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô", ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem