Theo thống kê tại Việt Nam, rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến 25% trẻ em ở độ tuổi tiền học đường. Thực tế, rất nhiều phụ huynh có nhu cầu tìm kiếm một nơi trị liệu ngôn ngữ cho các bé gặp khó khăn trong giao tiếp, chậm nói, các bé rối loạn phổ tự kỷ.
Ngôn ngữ trị liệu thuộc lĩnh vực chuyên môn gồm các dịch vụ về đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn cho người có rối loạn về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát của lời nói, nhận thức, rối loạn nuốt….
Rối loạn hay khó khăn giao tiếp ở trẻ em là khi trẻ gặp bất cứ vấn đề nào về lời nói, âm lời nói, nhận thức, giao tiếp bằng lời hoặc không lời, khó khăn bú mút, ăn uống không đa dạng… và các vấn đề này ảnh hưởng tới việc trẻ kết bạn, giao tiếp và hòa nhập với môi trường xung quanh.
Theo thống kê ở các nước đang phát triển, cứ 7 người thì sẽ có 1 người gặp rối loạn giao tiếp hoặc nuốt trong một khoảng thời gian của vòng đời. Việc phát hiện và can thiệp sớm là rất cần thiết cho quá trình phục hồi chức năng của người bệnh.
Trung tâm trị liệu ngôn ngữ Chong Chóng Xanh tiếp nhận trẻ từ 12 tháng – 7 tuổi mắc các chứng tự kỷ, bại não, chậm nói, hay gặp các vấn đề nuốt... nhằm tăng cường khả năng giao tiếp cũng như vấn đề sức khỏe cho trẻ.
Các chuyên gia cho biết, trẻ gặp rối loạn, tự kỷ hay khó khăn giao tiếp thường có các biểu hiện như: 12 – 16 tháng chưa nói được từ đơn; Giao tiếp mắt kém, ít nhìn người đối diện, ít phản ứng khi được gọi tên.
Có hành vi ăn vạ, hay la hét, ném đồ đạc, trút giận lên người khác hoặc tự làm đau mình; Cảm xúc thay đổi thất thường: cười, khóc không rõ lý do.
Có hành vi lặp đi lặp lại: chỉ chơi đồ chơi quen thuộc, xếp đồ chơi thành hàng ngang dọc… Khó khăn khi được hướng dẫn thay đổi cách chơi đồ chơi; Không đáp ứng với các hướng dẫn đơn giản.
Trẻ chậm hiểu hơn so với trẻ cùng trang lứa, đang chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chưa biết chơi với bạn, hay giành giật đồ chơi, chưa biết sử dụng lời nói để giao tiếp với người khác. Chưa biết khoe, kể; Chưa có kỹ năng tự phục vụ bản thân: chưa tự xúc ăn, chưa tự đi vệ sinh, chưa tự thay đồ…. Khó khăn ăn uống: ăn một số món cố định, dễ nhợn ói…
Các chuyên gia trị liệu cũng khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy lo lắng hoặc nhận ra sự chậm trễ của trẻ về bất cứ một lĩnh vực nào so với các bạn cùng trang lứa thì nên đưa con đi khám ngay lập tức. Chú ý rằng giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ là từ 0 đến 5 tuổi.