Trẻ tự kỷ thiếu nhất là ngôn ngữ

Trong lúc chờ mẹ nói chuyện với bác sĩ trị liệu, cậu bé H. (10 tuổi) nhón chân đi lại không ngừng nghỉ, vừa đi vừa đập tay vào tường, vào bàn, đập ghế. Bất chấp mọi lời nhắc nhở của mẹ, của bà, bé H. vẫn thản nhiên làm mọi việc theo ý mình, khi bị ngăn cản, cậu bé hét lên bực bội.

Một lúc sau, đột nhiên bé… tụt quần giữa phòng. Mẹ bé hốt hoảng: "Xin lỗi bác sĩ, nó chán quá đòi về nên làm như vậy đó".

Chị Cao Phương Anh, phụ trách Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho biết, đây là trường hợp tự kỷ nặng, bé đã gần như mất khả năng nói, không tập trung và rất khó tìm được cách thu hút sự quan tâm của bé.

Theo các chuyên gia, tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cũng như hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

img
img
img
img
img

Trẻ tự kỷ chủ yếu học qua hình ảnh.

Lý giải nguyên nhân trẻ tự kỷ hay có những hành động bất thường, bác sĩ Hoàng Oanh – chuyên gia trị liệu âm ngữ - cho biết: "Do các trẻ liên tục có nhu cầu tìm kiếm cảm xúc nên mới có hành động khó kiểm soát như đã thấy. Vậy nên chỉ khi được hướng đến một hành động khác thuộc về sở thích mà bé đặc biệt quan tâm và được đáp ứng thì mới mong không còn bị rơi vào trạng thái buồn chán, bực bội …

Tự kỷ là một phổ rộng, từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhiều người chưa biết về chứng tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ

Điều khó khăn ở trẻ tự kỷ là thiếu ngôn ngữ, nhiều trẻ có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động... Vì vậy, can thiệp sớm mang đến cơ hội tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ, cải thiện khả năng học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội... Trong quá trình can thiệp của trẻ cần có sự kết hợp, song hành của gia đình cùng với nhân viên y tế.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ bằng âm ngữ trị liệu - Ảnh 2.

Chị Cao Phương Anh tìm cách thu hút sự chú ý của bé tự kỷ để giao tiếp.

Âm ngữ trị liệu – giải pháp hiệu quả để trẻ tự kỷ hòa nhập

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, cố vấn chuyên môn của Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống, nhìn nhận, trẻ tự kỷ thường gặp rắc rối trong cả việc sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Vì vậy, âm ngữ trị liệu (speech therapy) là một phương pháp điều trị quan trọng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống xung quanh.

Rối loạn về ngôn ngữ là hiện tượng điển hình hay gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Hiện tại, để điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ phải dựa trên nhiều yếu tố và âm ngữ trị liệu là phương pháp tối ưu nhất để có thể điều trị tốt chứng bệnh này.

Lộ trình điều trị theo phương pháp âm ngữ trị liệu khá phức tạp, mỗi trẻ sẽ phải trải qua một lộ trình khác nhau bởi với trẻ tự kỷ thì biểu hiện và mức độ bệnh hoàn toàn khác. Các bác sĩ có thể lựa chọn phác đồ bằng hình ảnh dựa trên sở thích của bé để thu hút bé tập trung chú ý.

Cái được của phương pháp âm ngữ trị liệu là "đánh" trực diện vào vấn đề cốt yếu nhất khi trẻ tự kỷ thường bị rối loạn ngôn ngữ hay giao tiếp kém nhưng khả năng nhận biết về hình ảnh lại khá tốt. Âm ngữ trị liệu tận dụng tối đa những triệu chứng này để đưa đến những phác đồ điều trị cho trẻ. Nhân tố giúp phương pháp này áp dụng thành công không ở các chuyên gia mà chính là gia đình trẻ.

img
img
img
img

Trẻ tự kỷ học chữ, học cách giao tiếp chủ yếu qua hình ảnh.

Nghĩa là, sau khi được điều trị theo quy trình tại các lớp luyện âm ngữ thì việc thực hành có hiệu quả hay không chủ yếu là từ gia đình tác động đến trẻ. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là trong khi chứng tự kỷ đang dần tăng lên như một căn bệnh của thời đại thì việc trang bị kiến thức về tự kỷ trong mỗi gia đình ở nước ta lại không hề có. Mặc dù, âm ngữ trị liệu bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhưng tác dụng của phương pháp này cũng chưa được đánh giá đúng mực.

Chia sẻ về quy trình điều trị cho trẻ tự kỷ tại Đơn vị âm ngữ trị liệu, chị Cao Phương Anh cho biết mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại đây là sự phối hợp đa chuyên ngành gồm: y tế - âm ngữ trị liệu - tâm lý - giáo dục đặc biệt - giáo dục tiểu học, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của phụ huynh.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ bằng âm ngữ trị liệu - Ảnh 5.

Nhón gót chân, một biểu hiện rõ rệt của trẻ tự kỷ.

Hiện, Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có các lớp can thiệp sớm dưới 5 tuổi, lớp giáo dục tiền học đường từ 5-8 tuổi và lớp huấn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ lớn hơn. Song song với các lớp bán trú, đơn vị này còn mở các chương trình đánh giá, tư vấn và can thiệp cá nhân cho tất cả trẻ có khó khăn giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói như trẻ rối loạn phát âm, trẻ khiếm thính có sử dụng công nghệ, trẻ nói lắp, trẻ khe hở môi vòm miệng…

"Can thiệp cho trẻ tự kỷ không chỉ là can thiệp trong phòng kín, can thiệp tại trường học mà phải can thiệp mọi lúc, mọi nơi trong các môi trường sống xung quanh. Ví dụ, những lúc ở nhà, đi siêu thị, đi ăn cùng gia đình ở nhà hàng, trẻ cần được dạy những hành vi phù hợp với môi trường như xếp hàng mua đồ, tính tiền, gọi món... những điều như thế này sẽ giúp trẻ hòa nhập xã hội tốt hơn," chị Phương Anh phân tích.

img
img
img
img

Trên tất cả, trẻ tự kỷ cần nhất là tình yêu thương, sự gắn bó của gia đình, cộng đồng.

Theo các chuyên gia, can thiệp âm ngữ trị liệu nên được thực hiện ngay cho trẻ ngay khi trẻ có các dấu hiệu báo động đỏ, mà không chờ cho đến khi trẻ được chẩn đoán. Điều này quyết định sự cải thiện nhanh hay chậm ở mỗi trẻ, thực tế cho thấy, khi trẻ được can thiệp sớm, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

"Nhiều trẻ đến với chúng tôi khi đã quá muộn, có trẻ hơn 10 tuổi, những trường hợp này vô cùng khó can thiệp bởi đã bỏ lỡ qua "thời gian vàng" trong trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ," chị Cao Phương Anh chia sẻ.

Theo bác sĩ Hoàng Oanh, tình trạng trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng nhiều nhưng nhiều bậc phụ huynh lại né tránh. Thực sự, tự kỷ vẫn đang là một nỗi ác mộng đối với mỗi gia đình. Cũng chính từ việc không hiểu rõ về tự kỷ nên việc điều trị cũng gặp bất đồng, không tìm được tiếng nói chung giữa gia đình với các bác sĩ, các chuyên gia.

"Có trường hợp trẻ 8 tuổi mà không biết cách đi vệ sinh nên trẻ cứ đứng giữa nhà đái tự do hay đọc chữ cái vanh vách mà không hiểu gì… Nhưng khi tìm đến phương pháp Âm ngữ trị liệu, bác sĩ muốn khắc phục tình trạng đó trước thì phụ huynh của trẻ lại không đồng ý mà chỉ yêu cầu khắc phục về mặt tiếp thu kiến thức. Nhất quyết không nghe theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phụ huynh làm mình làm mẩy đưa con về và kết quả là bệnh ngày càng nặng, khi quay lại thì đã quá muộn".

Các bậc phụ huynh cũng nên thẳng thắn nhìn nhận vấn đề con em mình đang gặp phải và tìm ra phương pháp phù hợp nhất để áp dụng điều trị cho con mình. Đối với trẻ tự kỷ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời khả năng phục hồi sẽ cao hơn rất nhiều.

Trẻ tự kỷ vận động bằng âm nhạc tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu PKĐK Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem