Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4: Vì sao không có trường riêng cho trẻ tự kỷ?
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 01/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trẻ tự kỷ khi còn nhỏ có thể đi học tại các trung tâm giáo dục hòa nhập, các trường chuyên biệt nhưng khi trẻ lớn lên sẽ học ở đâu, học cái gì, sống như thế nào luôn là câu hỏi đau đáu cho các gia đình và cả những người chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Bài 2: Vì sao không có trường riêng cho trẻ tự kỷ?
Trẻ tự kỷ bị chính giáo viên kỳ thị
Một giáo viên tiểu học tại quận Bình Thạnh đề nghị giấu tên than phiền: "Tôi dạy lớp 1, trong lớp có một bé tự kỷ. Giờ học thì đứng lên đi loạn trong lớp, giờ ngủ trưa la hét, đập phá, không để cho các bạn yên. Dỗ thế nào cũng không được, tôi đành phải bảo mẹ bé đến đón bé về cho các bạn khác được ngủ trưa".
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thực tế mà trẻ tự kỷ đang theo học hòa nhập gặp phải.
Chị T.H, một phụ huynh có con tự kỷ không giấu được nước mắt: "Vì áp lực xã hội, hiệu trưởng buộc phải nhận con tôi vào trường. Thế nhưng, khi đi tham quan, con tôi buộc phải ở nhà với lý do cháu sẽ làm xấu hình ảnh của trường. Rồi những buổi đồng diễn thể dục dưới sân trường, tất cả đều được xuống trường chỉ duy nhất con mình buộc phải ở trên lớp. Có ai muốn sinh con ra bị khuyết tật đâu, cái con trẻ cần là sự sẻ chia, đồng cảm chứ không phải những khẩu hiệu hay túi quà".
Không ít trẻ tự kỷ bị chính giáo viên của mình kỳ thị, đó là còn chưa kể trong trường, trong lớp không có ai chơi cùng, bị bạn bè bắt nạt… Đã có không ít phụ huynh phải ngậm ngùi đưa con trở lại trường chuyên biệt vì bé không thể hòa nhập được với các bạn trong trường bình thường.
Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH (Thông tư quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện) đã quy định tự kỷ là một dạng khuyết tật và cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Theo bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 nhưng mãi đến tháng 1/2019 mới có thông tư hướng dẫn xếp loại tự kỷ vào "khuyết tật khác".
Nhà nước đã có nhiều chính sách cho trẻ tự kỷ nhưng khi đi vào cuộc sống thì chắc chắn chưa được như ý muốn, ví dụ như xác nhận tự kỷ cho trẻ, không phải địa phương nào họ cũng xác nhận. Vì tự kỷ không giống như các loại khuyết tật khác, không nhìn thấy được, cán bộ địa phương thấy một đứa trẻ lành lặn như vậy, họ không xác nhận là bé khuyết tật.
"Nếu không can thiệp đúng mức, can thiệp sớm, trẻ càng khó khăn hơn khi lớn lên. Một số trường lại yêu cầu phải xác định trẻ ở mức độ nặng mới được ưu tiên nhận học hòa nhập. Nhưng nếu trẻ bị nặng thì lại rất khó để theo học. Đôi khi vì những yêu cầu như vậy mà trẻ bị tự kỷ nhẹ mất đi cơ hội học hòa nhập", bà Tâm cho biết.
Liên quan vấn đề trên, bà Tâm đề nghị: Trong Giấy xác nhận khuyết tật cho trẻ tự kỷ, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cần ghi rõ "tự kỷ". Việc này sẽ làm cơ sở dữ liệu để thống kê chính xác số người tự kỷ. Từ đó, các cơ quan chức năng thiết lập chính sách thiết thực cho người tự kỷ như trợ cấp, bảo hiểm xã hội, can thiệp, hướng nghiệp, dạy nghề….
Vì sao không có trường riêng cho trẻ tự kỷ?
Là người mẹ có con tự kỷ, bà Phạm Thị Kim Tâm phản biện: "Tại sao có trường khiếm thính, khiếm thị? Là vì cách học hoàn toàn khác. Vậy tại sao không có trường tự kỷ, trong khi tự kỷ cũng có cách giáo dục rất khác so với những dạng tật khác?".
Bà lập luận: "Nhiều người phản đối thành lập trường tự kỷ vì họ nghĩ rằng mình nhốt trẻ tự kỷ vô một nơi riêng. Thực sự không phải vậy! Trẻ khiếm thính, khiếm thị học riêng, khi nào các em khá lên thì ra ngoài học hòa nhập đó thôi".
Theo đại diện Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, nếu có trường riêng đi theo mảng từ phát hiện, chẩn đoán đến can thiệp sớm thành công, trẻ tự kỷ có thể khá lên và hòa nhập được, trẻ sẽ đi qua mảng hòa nhập. Còn những trẻ nặng quá, không thể hòa nhập được thì vẫn nên học trường chuyên biệt. Khi được học trong một môi trường và với phương pháp, giáo trình phù hợp, trẻ sẽ tiến bộ và ngược lại.
Bà Tâm nêu ý kiến: "Hiện nay, có trường phổ thông bình thường cho trẻ tự kỷ học hòa nhập. Thế nhưng không có biên chế của giáo viên giáo dục đặc biệt để hỗ trợ các trẻ tự kỷ trong trường hòa nhập nên trẻ bị hụt hẫng, khó có hiệu quả. Nhà nước nên mở những trường tự kỷ, có phương pháp dạy, phương pháp can thiệp tốt và mức phí thấp, khi đó trẻ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn".
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (TP.HCM), cho biết, do chi phí chăm sóc trẻ tự kỷ tốn kém, nên nhiều nước có chính sách hỗ trợ rất lớn cho trẻ tự kỷ. Chẳng hạn tại Canada, chính quyền sở tại cấp khoảng 18.000 USD/năm cho mỗi phụ huynh nuôi con tự kỷ, chưa kể số tiền chi trả chuyên gia đến nhà can thiệp, khám chữa bệnh… cho trẻ tự kỷ.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm ao ước xây dựng một cơ sở giáo dục, chăm sóc miễn phí cho người tự kỷ như mô hình "Làng tự kỷ" ở một số nước, trong làng có trường học, bệnh viện, siêu thị, rạp hát, khu vực học nghề, làm việc… dành riêng cho người tự kỷ.
Nói tới giáo dục hòa nhập, nhiều người chỉ nghĩ rằng đưa trẻ tự kỷ tới trường là xong. Thực tế, trẻ tự kỷ rất cần được hòa nhập trong giao tiếp xã hội, vốn đòi hỏi nhiều kỹ năng cực kỳ khó khăn cho người tự kỷ như hiểu được ngôn ngữ hình thể, biết truyền đi những thông điệp không lời, biết vượt qua mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau…
Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn, nếu các thầy cô không được hướng dẫn rất cụ thể, trẻ tự kỷ không thể nào kết bạn, duy trì quan hệ bạn bè, làm sao có thể hòa nhập vào xã hội? Rồi trẻ sẽ tiếp tục cô độc một mình, chương trình hòa nhập coi như thất bại.
Bà Tâm cho biết, hiện nay, các trường chuyên biệt của Nhà nước cũng đã nhận trẻ tự kỷ nhưng phần lớn là trẻ đa khuyết tật nên việc can thiệp, dạy cho trẻ tự kỷ vẫn chưa được quan tâm nhiều. Chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ chỉ dạy hết lớp 5, sau đó nếu trẻ không tiếp tục học hòa nhập được nữa thì trẻ… ở nhà, tự học thêm.
Việc hòa nhập, dạy nghề cho trẻ lớn bị tự kỷ đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có một trung tâm nào chuyên về vấn đề này. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ nào đối với trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ ở độ tuổi lớn được hòa nhập làm việc theo những mô hình đặc biệt. Chính vì thế, công tác "tiếp nối" trong điều trị, hòa nhập cho trẻ tự kỷ gặp khó.
"Trẻ tự kỷ lớn nhanh lắm, lớn từng ngày, không chờ được chính sách của các cơ quan chức năng, chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình. Đây thật sự là vấn đề rất nan giải", bà Tâm trăn trở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.