Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4: Dạy trẻ tự kỷ không thể phó mặc cho nhà trường, bác sĩ

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 02/04/2021 06:08 AM (GMT+7)
Ở Việt Nam, số trẻ em mắc chứng tự kỷ liên tục tăng qua các năm và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của mọi gia đình có con tự kỷ. Tự kỷ không có nguyên nhân nên cũng không có cách phòng ngừa.
Bình luận 0
Bài 3: Dạy trẻ tự kỷ không thể phó mặc cho nhà trường, bác sĩ - Ảnh 1.

Trẻ tự kỷ cần được tham gia các hoạt động xã hội.

Bài 3: Dạy trẻ tự kỷ - cha mẹ phải là bác sĩ của con

Mỗi trẻ tự kỷ không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Vì vậy, rất nhiều trẻ không nhận được bất kỳ hỗ trợ, can thiệp nào.

Càng giấu càng không giúp được con

Đã 3 năm đưa rước cháu nội tự kỷ học tại một trường chuyên biệt dân lập ở TP.HCM, bà Thảo (Bình Dương) vẫn rất dị ứng với từ "tự kỷ". Ra ngoài, bà không cho cháu mặc đồng phục của trường vì "sợ bị lộ". Về quê, trước sự tò mò của láng giềng, bà giải thích nó bị tăng động, giảm chú ý.

Bà Thảo tâm sự: "Khi nghe cháu mình bị tự kỷ, tôi trầm cảm một thời gian dài. Ba mẹ nó đều là bác sĩ giỏi. Dòng họ nội ngoại đều thành đạt, vậy mà thằng bé ra nông nỗi này. Cô coi, làm sao tôi chịu được?". Đây cũng là suy nghĩ của không ít gia đình có con bị tự kỷ

Gần chục năm dạy trẻ tự kỷ, chị Trần Thị Nhàn (giáo viên một trường giáo dục chuyên biệt ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) tâm tư: "Có nhiều cha mẹ nghĩ mình tài giỏi, thông minh thì làm sao con mình tự kỷ được. Họ không chấp nhận sự thật, giấu giếm tình trạng của con khiến đứa trẻ ngày càng bị cô lập. Bản thân cha mẹ sinh ra con mà còn xa cách, trách gì người ngoài".

Theo bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, không thể yêu cầu một người không biết gì về tự kỷ phải biết cách ứng xử, tiếp cận và hỗ trợ về tự kỷ. Cho nên cha mẹ phải lên tiếng để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Có con tự kỷ, chị Tâm cho biết khi cùng con đến đâu, chị hay báo với bảo vệ hoặc nhân viên ở đó về tình trạng con mình có thể bị căng thẳng về môi trường hoặc với người đối diện, hoặc muốn gây chú ý. Nhờ vậy, nếu con có hành vi nào đấy, những người kia đã biết trước nên họ không bị sốc. Hơn nữa, họ có thể giúp đứa trẻ hạn chế hoặc không làm hành vi ấy nữa. 

"Mang con ra các hoạt động xã hội sẽ giúp trẻ tăng tính tự tin, hòa nhập cộng đồng của trẻ. Khi cha mẹ tự mang con đi thì chính bản thân cha mẹ có động lực. Khi nhìn con người khác sẽ có thêm niềm tin và động lực để cố gắng hơn. Cha mẹ càng giấu càng không giúp được con!", chị Tâm nhắn nhủ.

Bài 3: Dạy trẻ tự kỷ không thể phó mặc cho nhà trường, bác sĩ - Ảnh 3.

Bác sĩ đang tư vấn cho một người mẹ có con tự kỷ.

Cha mẹ phải là bác sĩ của con

Bà Lê Thị Ngọc Lan, Chuyên viên tâm lý tại Đơn vị Tâm lý nhi, Khoa Tâm thể - Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, tự kỷ không phải là một căn bệnh nên không có thuốc đặc dụng để chữa trị. Tự kỷ là một hội chứng. Một điều đáng quan ngại, ngày càng nhiều trẻ em mắc hội chứng này. 

Tại bệnh viện, sau khi đã tham gia hội chẩn với bác sĩ nhi, bác sĩ tâm thần trong quá trình chẩn đoán, đánh giá mức độ phát triển của trẻ trên các lĩnh vực, bệnh viện phối hợp với giáo viên giáo dục đặc biệt xây dựng chương trình can thiệp.

Trẻ tự kỷ nhẹ nếu không được phát hiện chữa trị sớm và nhận sự chăm sóc đặc biệt thì trung bình chỉ có khoảng 20% các trẻ có thể nói và học được nhưng đương nhiên quá trình này sẽ khó khăn hơn, đặc biệt trong quan hệ xã hội, giao tiếp, kết bạn. Còn lại 80% các trẻ tự kỷ nhẹ tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc hội chứng tự kỷ, kèm theo đó là biểu hiện chậm phát triển về cả tâm thần, cảm xúc, trí tuệ, đôi khi còn đi kèm triệu chứng động kinh, trầm cảm, lo âu, ám ảnh... làm giảm khả năng thích ứng, khó hòa nhập xã hội.

(Bà Lê Thị Ngọc Lan, Chuyên viên tâm lý)

Bà Bùi Hải Nguyên, chuyên gia can thiệp cho trẻ có rối loạn phát triển tại Phòng Tham vấn Saigon Psychub cho rằng: Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn thì cần thiết phải có sự liên hệ mật thiết giữa phụ huynh và nhà trường về phương pháp và hướng tác động phù hợp với trẻ. Theo đó, giáo viên nên mạnh dạn trao đổi với phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu trẻ tự kỷ là một đứa trẻ bình thường và hoàn toàn có thể thay đổi tiến bộ được. 

Trường học, bác sĩ tâm lý chỉ là nơi cung cấp cho bố mẹ những kiến thức, hỗ trợ và giám sát chương trình chăm sóc, giáo dục và trị liệu tại gia đình. Đồng thời, trao đổi với cha mẹ trẻ về những tiến bộ của trẻ khi ở trường, lúc về nhà, những điều chưa khắc phục được và bàn bạc, tìm ra phương pháp có lợi nhất cho sự phát triển của con. 

Để giáo dục trẻ tự kỷ có thể hòa đồng được với cuộc sống xã hội là cả một quá trình tác động lâu dài. Giáo dục giúp trẻ hòa nhập không phải là việc đơn giản, chính vì vậy cần phải có sự tác động kiên trì, tâm huyết từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ và những người thân xung quanh trẻ.

"Tuy tự kỷ khá phức tạp, song thực tế cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách và phù hợp, trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể, từ việc nâng cao khả năng tự phục vụ, nhiều trẻ có thể đi học, tìm việc làm và sống độc lập. Mong sao cộng đồng có nhận thức đúng đắn về trẻ tự kỷ để tránh kỳ thị và tạo cơ hội cho trẻ được sống, học tập và hòa nhập xã hội. Mong có nhiều các tổ chức, cá nhân và cha mẹ trẻ tự kỷ cùng chung tay, góp sức giúp đỡ các con ngày tốt hơn", bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam cho biết thêm.

Trẻ hào hứng tham gia Ngày hội thể thao cho trẻ tự kỷ tại TP.HCM


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem