Dân Việt

Dòng sông tên đẹp đến kỳ lạ ở Quảng Ninh, nhìn từ trực thăng như đôi cánh đại bàng bay ra từ truyền thuyết

Phạm Học 13/02/2023 12:48 GMT+7
Trước khi đổ vào sông Kinh Thầy, dòng sông Cầm (Quảng Ninh) dừng chân quá lâu ở Xuân Sơn tạo thành hồ. Mà có những hai hồ. Nhìn từ trực thăng, sông Cầm như một chú chim đại bàng khổng lồ, bước ra từ truyền thuyết.

Sông Cầm là tên dân gian của sông Kỳ (Quảng Ninh). Nhận nước bắt nguồn từ núi Nam Mâu của dãy Yên Tử, sông chảy qua các xã, phường của Uông Bí và Đông Triều rồi đổ vào sông Kinh Thầy ở ngã ba Đá Vách. Từ đây, sông chảy xuống sông Đá Bạc, gom nước đổ vào Bạch Đằng. Bởi vậy, nhiều người đã ví sông Cầm là con sông của mạch cảm lịch sử.

Những thí dụ đặt tên

Trước khi đổ vào sông Kinh Thầy, sông Cầm dừng chân quá lâu ở Xuân Sơn tạo thành hồ. Mà có những hai hồ. Nhìn từ trực thăng, sông Cầm như một chú chim đại bàng khổng lồ, bước ra từ truyền thuyết. Cánh chim đã mỏi mệt với những chuyến hồ thỉ tang bồng rồi nên bỏ đại ngàn, bỏ bầu trời cao rộng mà xuống đất hóa thành sông.

Không hiểu sao tôi vẫn ngờ ngợ rằng tiền nhân rất có thể thấy cái dáng hình của khúc sông này nên đã chọn chữ “Cầm” (có nghĩa là chim chóc) để gọi tên. Ông Nguyễn Văn Lương, ở làng Cầm (thị xã Đông Triều) bảo với tôi rằng, từ nhỏ ông đã nghe kể lại là vùng này cây cối tươi tốt loại chim sâm cầm về đây tụ hội. Có thể tên của con sông từ đấy mà ra.

Dòng sông tên đẹp đến kỳ lạ ở Quảng Ninh, nhìn từ trực thăng như đôi cánh đại bàng bay ra từ truyền thuyết - Ảnh 1.

Cầu Cầm bắc qua sông Cầm (một con sông bắt nguồn từ dãy núi Tây Yên Tử, qua địa phận tỉnh Quảng Ninh trước khi đổ ra sông Kinh Thầy, chảy vào sông Đá Bạc rồi đổ ra cửa Bạch Đằng).

Sông Cầm cũng chẳng có hướng nào cố định. Thượng nguồn chảy hướng nam - bắc, rồi chuyển đông - tây đoạn hạ lưu lại hợp dòng thành hồ lớn, chảy tạt ra hướng đông rong ruổi chán lại quay về hướng nam.

Sông gì mà kỳ lạ vậy! Chả trách các cụ gọi là sông Kỳ. Nhưng không, sông Cầm có cái lý lẽ riêng của nó: Lý lẽ của trái tim. Dường như con sông Cầm dùng dằng không chịu về với biển, không muốn chia tay những am tháp, chùa chiền nơi đại ngàn Yên Tử.

Tôi hỏi ông Lương rằng, ông đã bao lần đi hết con sông này chưa. Ông Lương khẽ gật đầu kể, sông Cầm nhiều cát lắm nhưng không thể để dân lấy bừa bãi làm đổi dòng. Với cương vị là Phó Chủ tịch huyện ông thường xuyên phải đi kiểm tra. Những chuyến đi ấy đã gợi nhớ cho ông những kỷ niệm đẹp thời hoa niên. Ông bảo vì yêu con sông nên phải bảo vệ sông.

Bây giờ, ông Lương không thể nào đi dọc được hết con sông Cầm nữa vì có một con đập tràn ở thượng nguồn. Càng lên phía thượng nguồn nước càng cạn. Thuyền khó lòng mà di chuyển giữa đá ngầm ở vùng suối Yên Tử. Vậy là ông chỉ về với sông trong tâm tưởng chứ chẳng thể nào ngược nước về phía đầu nguồn.

Câu chuyện đã khác khi mà biển chưa lùi xa như bây giờ. Mỗi lần thủy triều lên, nước biển ngược dòng Bạch Đằng mà chảy vào sông Cầm. Nước sông giao hòa giữa cái ngọt ngào của thượng nguồn và cái mặn mòi ở hạ lưu. Từ đây, sông Cầm có cả loài thủy sinh nước mặn, nước lợ.

Ông Lương bồi hồi nhớ lại tuổi hoa niên ra sông đánh dậm chỉ cần đi một lúc thôi là chiếc giỏ bên hông đã đầy ắp cá tôm. Ông kể rằng, trước đây, có hẳn một làng làm muối ở đây chứng tỏ nước biển xâm nhập rất sâu vào sông Cầm.

Cắm rễ vào mạch nguồn phù sa sông Cầm nên cây sú, vẹt, lau sậy cũng mọc thành rừng ven sông xanh mướt.

Và tích xưa huyền bí

Về Xuân Sơn, tôi nghe các cụ nhắc tên nhiều địa danh gợi lại một thời buôn bán sầm uất ở ven sông Cầm. Sách “Đông Triều huyện chí” có ghi rằng “thuyền bè tấp nập là đường thủy trọng yếu miền biển”. Cư dân xưa tận dụng dòng chảy của sông Cầm để đưa lâm sản, thổ sản về vùng ven biển bán. Theo chiều ngược lại, họ ngược con nước sông Cầm đưa đồ biển về bán cho dân trung du.

Mễ Sơn là ngọn núi gạo, dáng hình thoai thoải đất đai màu mỡ phì nhiêu. Địa hình Mễ Sơn cũng nghiêng theo con sông, hạ dần độ cao từ bắc xuống phía nam theo dòng chảy con nước sông Cầm. Cũng vì hệ thống sông ngòi địa hình như vậy mà Mễ Sơn xưa chẳng bao giờ khô hạn, thiếu nước tưới.

Đến bây giờ, tôi mới vỡ lẽ ra là tại sao dân ven sông Cầm nhiều khoai lang ngon nức tiếng (sử sách ghi vùng này có khoai lang tía và khoai ngà) nhưng lại gọi là khoai dây. Đó là vì họ kiêng húy không được nhắc tên vị thành hoàng làng là Linh Lang đại vương.

Đất ven sông Cầm hợp với khoai lang vì là đất pha cát. Dưới lòng đất là mỏ đất sét dồi dào. Có một tập đoàn đã xây dựng ngay bên bờ sông Cầm một cảng thủy nội địa để chuyên chở gạch ngói. Vậy là xưa kia gạch ngói kiến tạo nên những ngôi nhà bên sông Cầm thì nay gạch ngói đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và theo tàu viễn dương đến được với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sông Cầm có rươi và cáy, ông Đỗ Văn Luyến, người ở xã Xuân Sơn, kể rằng, sông Cầm đã chảy qua tuổi thơ của thế hệ các ông. 

Đã bao nhiêu lần ông và chúng bạn vượt sông bắt cá tôm, cua cáy ven sông, thả diều trên bờ bãi. Ông Luyến mường tượng con sông như cánh diều cong bao lần ông cùng chúng bạn thả lên trời xanh, gửi gắm ước mơ về những khoảng trời cao rộng.

Là người có máu văn chương nên ông Luyến thấy sông Cầm như một con người đa sầu, đa cảm. Sông như chau mày day dứt, sông thở dài, sông buông xuôi. Chính cái thơ mộng của sông Cầm đã nuôi dưỡng tâm hồn những cư dân ven sông như ông Luyến để ông trở thành một nhà thơ. Chỉ có những người được gọi là “loài thi sĩ” thì mới nhận ra hết cái chất thơ của con sông Cầm.

Tích xưa truyền lại rằng, khi nhà vua chạy giặc qua đây bước xuống đò. Nhưng ngặt nỗi vua và mấy người tùy tùng chẳng còn xâu tiền nào. Vua cởi áo đang mặc đưa cho ông đò gọi là của cầm cố. Lúc này ông đò mới biết mình đang chở đức vua chạy giặc, chẳng những chở miễn phí mà còn cưu mang, che chở cho cả đoàn lúc đã sang sông.

Tên con sông làm ông Lương bao đêm trăn trở để giải mã nhưng vẫn quá mông lung. Cụ tổ nhà ông là người Thanh Hóa từ thế kỷ 17 đã ra đây lập ấp Trang Cầm viên. Chữ cầm thì ông Lương không hiểu các cụ viết chữ nào trong Hán tự. Phải chăng “Trang Cầm viên” chính là đất an trí cho một viên quan đa tài nhưng khó lòng ép vào khuôn phép. Và chữ cầm ở đây phải hiểu là cầm chân?

Điều đó cũng dễ xảy ra bởi vì bên hữu ngạn sông Cầm là đất An Sinh được ban cho Trần Liễu. Hai chữ An Sinh ở đây có ngầm ý nghĩa là khuyên Trần Liễu và con cháu sinh sống cho yên ổn. Như thế, rõ ràng là ban đất đích thực là cầm chân. Người được ban đất cũng phải cầm lòng.

Sông Cầm không chỉ chở nặng phù sa làm giàu cho đất đai đồng bãi quê hương. Nước sông Cầm khi trong khi đục lặng lẽ trôi ra biển bỏ lại hai bên bờ xanh ngút ngàn ngô lúa. Nước trôi đi nhưng sông không cạn. Nước hòa vào Bạch Đằng trôi ra biển để rồi lại mưa về nguồn, về đại ngàn cao xanh Yên Tử. Cái quy trình cho đi và nhận về ấy chỉ làm sông Cầm thêm giàu có.

“Sông cong cong cả con đê”

Đó là ý thơ trong câu hát nhưng đem đối chiếu với sông Cầm, một dòng sông ngắn mà lại vòng vèo.

Con sông lưu luyến bịn rịn với từng nương ngô của người Dao, người Tày. Con sông nặng nghĩa, nặng tình với những thôn dân hai bên bờ. Sông chẳng cầm lòng khi chia xa mầu áo chàm của những thôn dân người Tày thuần hậu, chia xa cái mầu xanh ngút ngàn kia.

Sông Cầm không chỉ duy mỹ mà còn duy cảm. Tổng chiều dài chỉ có hơn hai chục cây số nhưng chảy qua hai địa phương cấp huyện, sáu địa phương cấp xã của tỉnh Quảng Ninh trước khi nhập “hộ khẩu” vào Hải Dương.