Quảng Ninh: Vùng đất Đồi Tình nam nữ hát xướng ca, da diết nhất là "yêu nhau mà không đến được với nhau"

Nguyễn Quý Thứ sáu, ngày 30/07/2021 05:30 AM (GMT+7)
Từ thị trấn Tiên Yên (Quảng Ninh) chúng tôi đi xe chừng 30 phút là tới được xã Đại Dực. Đường về miền đất của điệu hát Soóng Cọ (hát xướng ca) đã dễ đi hơn, nhưng người hát điệu hát trứ danh ấy lại vơi đi dần.
Bình luận 0

Clip: Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đường về vùng đất hát xướng ca

Trở lại Đại Dực, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những đổi thay ở vùng đất miền núi này. Mới từ năm 2017 trở về trước, Đại Dực được biết đến là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp truyền thống.

Những mái nhà tranh, vách đất không còn thấy xuất hiện ở Đại Dực. Thay vào đó là nhiều căn nhà khang trang, cùng nhiều công trình văn hóa, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng to đẹp không kém gì ở phố.

Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên - Ảnh 1.

Khung cảnh yên bình ở thung lũng thôn Kéo Cai, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Nguyễn Quý)

Tôi còn ngạc nhiên thấy cửa hiệu "xăm mắt, nối mi" trong thôn, hỏi thì Bí thư xã Đại Dực, anh Nguyễn Thế Anh, cười, nửa đùa nửa thật: "Con gái Đại Dực bây giờ, nếu không mặc tấm áo xanh truyền thống, nhìn sành điệu không thua gì gái Hạ Long đâu nhé!".

Cũng may, người Sán Chỉ ở Đại Dực vẫn giữ được những phong tục, lề thói cho cộng đồng. Dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực có những nét văn hóa, phong tục riêng của mình: Họ ăn rằm tháng 3, 5, 7 và rằm tháng 8.

Định kỳ hằng năm, người Sán Chỉ ở Đại Dực tổ chức cúng thổ công tại miếu thôn để cầu mùa với sự tham gia đóng góp của người dân trong thôn; trong sinh hoạt hằng ngày, người dân Đại Dực vẫn mặc trang phục Sán Chỉ và sử dụng tiếng Sán Chỉ để giao tiếp.

Một trong những nét văn hóa nổi tiếng và hấp dẫn nhất trong đời sống văn hóa của dân tộc Sán Chỉ là hát Soóng Cọ. 

Đây là điệu hát thường dành cho các chàng trai, cô gái tới tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau và những người mà trước đây vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau. 

Nay vào dịp lễ hội, họ gặp lại nhau tình tứ. Lời bài hát mộc mạc, đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa mang tính giãi bày tâm sự da diết...

Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên - Ảnh 2.

Do được bao quanh bởi nhiều đồi, núi nên xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) có nhiều khe suối lớn nhỏ bắt nguồn từ trên cao đổ về (Ảnh: Nguyễn Quý).

Soóng Cọ, tiếng Pạc và (Bạch thoại) nghĩa là xướng ca. Hát xướng ca là hình thức hát dân gian giống như hát đúm của dân tộc Kinh ở dưới xuôi và miền đồng bằng.

Ông Lỷ Minh Sáng (thôn Phài Giác, xã Đại Dực), người đã có nhiều năm hát và góp công phục dựng Soóng Cọ, kể rằng, nhiều đôi trai gái yêu nhau bắt cặp với nhau ở mỗi hội hát xướng nhưng không lấy được nhau để đến nỗi cả đời vấn vương câu soóng cọ gọi bạn tình. 

Có những cặp đôi may mắn lấy được nhau. Thế nhưng, dù có hát hay đến mấy khi những cặp đôi đã yêu nhau rồi trở thành vợ chồng lại không bắt cặp với nhau đi hát hội tháng ba nữa. 

Ông Nình A Voòng ở thôn Khe Lặc, xã Đại Thành giải thích lí do với tôi rằng hội hát xướng ấy dành cho đôi lứa đang tìm hiểu nhau và những cặp tình nhân lỡ duyên giờ đã đi lập gia đình với người khác.

Bởi vậy, khi đã có vợ, có chồng rồi người ta vẫn đi hát soóng cọ, chỉ có điều hai vợ chồng chẳng bao giờ hát chung. 

Họ thỏa sức đi hát với người yêu cũ mà không bị cấm đoán. Hội hát Soóng Cọ hay ngày hiến tế cho tình yêu được người Sán Chỉ gọi là slặm nhịt hụi là "thế giới cổ tích" của những người luống tuổi, là ngày hiến tế tình yêu đôi lứa, nơi giải tỏa những ẩn ức, những khát khao yêu thương của người Sán Chỉ được thể hiện qua câu Soóng cọ.

Khúc hát trên Đồi Tình

Tôi đã có cả một ngày đêm đẫm mình trong những làn điệu Soóng Cọ ở Đại Dực. Bí thư Nguyễn Thế Anh là người hào hứng đưa tôi đi nhất. 

Anh cùng nhóm người bản địa dẫn tôi tới thác Nặm Văm, tới Đồi Tình, đỉnh Thông Châu…ở đâu chúng tôi cũng có thể "ngả bàn đèn" ra hát Soóng Cọ.

Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên - Ảnh 3.

Đồi Tình là nơi trai, gái Sán Chỉ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng Cọ (Ảnh: Nguyễn Quý).

Đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200ha rừng thông mã vỹ, gần 3ha đồi hoa sim, hoa mua. Đây là nơi trai, gái Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng Cọ vào buổi tối. 

Trong khi đó, đỉnh Thông Châu nằm trên độ cao gần 1500m, là ranh giới 3 xã: Đại Dực (Tiên Yên), Húc Động (huyện Bình Liêu) và Quảng An (huyện Đầm Hà).

Trên đỉnh Thông Châu có mặt bằng rộng gần 6ha với bạt ngàn hoa sim và hoa mua, từ đây có thể nhìn ra biển khu vực Đầm Hà và toàn xã Đại Dực.

Giữa khung cảnh rừng núi, sông hồ ấy, chị Trần Thị Phấu cất lên tiếng hát: "Chị chặu kít mùng dì kín sậy/ Chịu quá tài mùn dì qua lầy/ Quá chải tài mùn chịu dì kín/ Quá chải ngò sặm nhặt dì sậy". (Nhện dăng tơ dăng sợi nhớ/ Sáng dăng cửa chính chiều dăng bờ rào/ Dăng trên cửa chính sáng chiều nhìn thấy/ Dăng trong lòng muội ngày nhớ đêm mong).

Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên - Ảnh 4.

Chị Phấu ngồi hát Soóng Cọ trên Đồi Tình (Ảnh: Nguyễn Quý).

Người phụ nữ Sán Chỉ 34 tuổi mới đầu còn cười ngượng, sau thì cả ánh mắt và giọng hát ngân nga đều thả về phía khoảng trời trước mặt, dường như không còn ai xung quanh chị nữa.

Những bài hát cổ xưa truyền lại giờ không còn nhiều, số ít người trẻ ở Đại Dực còn hát được đã chọn cho mình một lối ứng xử khác đối với Soóng Cọ. 

Người ta dùng lời hát tự sáng tác để mời nhau, mời trà, mời rượu, chúc nhau. Họ còn hát tùy cơ ứng biến, thậm chí hát cả trong những buổi giao lưu, kỷ niệm.

Ông Lỷ Minh Sáng chép lại những bài hát cổ để dạy cho lớp trẻ các câu lạc bộn hát Soóng Cọ trong xã. Dù cả 9 thôn của xã đều có các câu lạc bộ hát Soóng Cọ, nhưng ông Sáng vẫn mơ hồ lo ngại về sự mai một của điệu hát truyền thống dân tộc ông.

Đêm "Soóng Cọ" với người Sán Chỉ ở Tiên Yên - Ảnh 5.

Hát giao duyên Soóng Cọ là điệu hát thường dành cho các chàng trai, cô gái tới tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau (Ảnh: Nguyễn Quý).

"Lớp trẻ bây giờ ngày càng ít quan tâm tới lễ hội và hát Soóng Cọ, sức tôi không còn nhiều, nhưng còn chút sức lực nào, tôi vẫn cố gắng truyền dạy cho các cháu, duy trì được nét văn hóa đặc sắc của quê hương, dân tộc mình" – ông Sáng nói.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi lại kéo nhau tới sân nhà văn hóa xã. Buổi giao lưu Soóng Cọ thường kỳ một quý một lần chỉ có vài bộ bàn ghế kê ra sân rộng, trên bàn đặt mấy ca nước lá, không rượu không hoa, nhưng thu hút rất đông người dân tới xem.

Tôi như một gã "ta ba lô" lạc vào thế giới cổ xưa của một vùng đất cổ tích còn nghèo về vặt chất, nhưng lại sở hữu những khối tài sản "kếch xù" về thiên nhiên, văn hóa tinh thần. Chợt nghĩ tới ý tưởng của Bí thư Đại Dực Nguyễn Thế Anh, về một ngôi làng du lịch cộng đồng dưới chân núi Thông Châu. Tại sao không nhỉ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem