Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông đang "phối hợp với quốc tế chặt chẽ" để gửi cho Kiev một đại đội xe tăng Leopard 2A6.
Ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Hà Lan và Đan Mạch tuyên bố sẽ gửi ít nhất 100 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 đến Ukraine trong "những tháng tới".
Những chiếc Leopard 1A5 được tân trang lại sẽ đến từ "kho dự trữ công nghiệp", họ xác nhận trong một tuyên bố chung và nhấn mạnh sẽ "tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine bằng xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksy Reznikov cho biết vào ngày 7/2 rằng khoảng 20 đến 25 xe tăng Leopard 1 sẽ đến Ukraine trong những tháng mùa hè, với 80 chiếc dự kiến sẽ được giao trước cuối năm nay.
Ukraine sẽ nhận thêm "tối thiểu 3 tiểu đoàn xe tăng", ông Reznikov cho biết thêm trong một tuyên bố đăng trên Facebook. Trước đó, Đức đã cho phép nhà sản xuất vũ khí tư nhân Rheinmetall bán những chiếc Leopard 1 cũ của mình cho Ukraine sau khi tân trang.
Ngày 8/2, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak cho biết Đức đã đồng ý gửi thêm 2 xe tăng phòng không Gepard tới Ukraine.
Tính đến 12/2, trang web của chính phủ Đức liệt kê 32 chiếc Gepard đã được giao cho Ukraine, với 5 chiếc nữa đang trong giai đoạn "lên kế hoạch".
Gepard là "xe tăng pháo phòng không bọc thép, hoạt động trong mọi thời tiết", được nhà sản xuất Krauss-Maffei Wegmann mô tả là "liên tục hiện đại hóa" kể từ khi được giới thiệu vào những năm 1960. Xe tăng này có khả năng chở 3 thành viên buồng lái, với tốc độ tối đa 65km/giờ. Xe có khả năng bao phủ phạm vi 550km và được trang bị hai khẩu pháo tự động 35mm.
Theo KMW, "tính cơ động vượt địa hình và khả năng xoay nhanh của tháp pháo cho phép xe phản ứng kịp thời để chống lại các mối đe dọa trên không". Xe tăng được thiết kế chủ yếu để phòng không, chẳng hạn như chống lại máy bay không người lái do Iran sản xuất do Nga vận hành ở Ukraine, ngoài ra cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu trên mặt đất.
Gepard, mặc dù không phải là xe tăng chiến đấu chủ lực, nhưng có chung thiết kế khung gầm với Leopard 1. Cũng do KMW sản xuất, Leopard 1 được các nhà sản xuất ca ngợi là "chưa từng có".
Mặc dù có tốc độ tối đa và tầm hoạt động tương tự như Gepard, nhưng Leopard 1A5 thiên về xe tăng chiến đấu chủ lực hơn là xe tăng phòng không. Theo KMW, Leopard 1 vẫn đang được sử dụng trên khắp 5 châu lục và "do giá trị chiến đấu liên tục tăng, hệ thống này vẫn là hiện đại nhất".
Các biến thể của Leopard 2, được giới thiệu vào năm 1979, là những người kế nhiệm của Leopard 1. Được sử dụng bởi quân đội của 18 quốc gia, theo nhà sản xuất, các biến thể của Leopard 2 đã trở nên phổ biến trong nhiều lực lượng quân đội châu Âu.
Với tầm bắn tối đa 450km và tốc độ tối đa 72km/giờ, Leopard 2 được trang bị súng nòng trơn 120mm hoặc súng máy 7,62mm. Theo KMW, sử dụng "công nghệ tinh vi nhất", Leopard 2A6 có thể "bảo vệ các binh sĩ và thiết bị khỏi các loại đạn dược và các mối đe dọa hiện đại nhất".
Trước cam kết của Berlin về xe tăng Leopard 2A6, các chuyên gia phương Tây đã nhất trí rộng rãi rằng xe tăng chiến đấu chủ lực do Đức sản xuất là lựa chọn tốt nhất cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Vương quốc Anh cũng đã cung cấp 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, trong khi Mỹ hứa cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine.