Lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu hơn trong bối cảnh dữ liệu lạm phát Mỹ được dự báo tăng nhẹ sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt khiến giá dầu hôm nay sụt giảm mạnh.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 14/2 (7h56 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 79,365 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 85,828 USD/thùng.
Trước đó, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 14/2/2023, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 79,17 USD/thùng, giảm 0,97 USD trong phiên.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 4/2023 đứng ở mức 85,85 USD/thùng, giảm 0,76 USD trong phiên.
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu khi mà các dự báo cho thấy lạm phát toàn cầu đang nóng lên sẽ buộc các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lo ngại nguồn cung dầu được giải tỏa một phần khi hoạt động xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) được nối lại.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước thời điểm dữ liệu lạm phát tháng 1/2023 của Mỹ được công bố cũng là tác nhân khiến giá dầu ngày 14/2 đi xuống.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô và các sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 2,4 triệu thùng, lên 455,1 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021; dự trữ xăng tăng 5 triệu thùng; và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 2,9 triệu thùng.
Giá dầu châu Á giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch chiều 13/2 sau khi tăng trong phiên trước đó do các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu trong ngắn hạn xuất phát từ số liệu lạm phát sắp công bố của Mỹ.
Trong chiều 13/2, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn có lúc giảm 86 xu Mỹ (1%) xuống 85,53 USD/thùng sau khi tăng 2,2% vào thứ sáu (10/2). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 89 xu Mỹ (1,1%) xuống 78,83 USD/thùng, sau khi tăng 2,1% trong phiên trước đó.
Theo các nhà phân tích, giá dầu thô đang giảm khi các nhà giao dịch dự đoán triển vọng nhu cầu dầu thô có khả năng suy yếu do báo cáo lạm phát cơ bản có thể buộc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa.
Việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dẫn đến lo ngại rằng động thái này sẽ làm chậm hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, các quan chức Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định rằng giá dầu có thể phục hồi trở lại mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và nguồn cung hạn chế do thiếu đầu tư.
Tại thị trường trong nước, ngày 13/1, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 13/1.
Theo đó, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 23.767 đồng (tăng 627 đồng/lít), xăng RON 95-III là 22.869 đồng (tăng 549 đồng/lít).
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Tiếp tục không trích lập Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với 02 mặt hàng xăng, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu hỏa và dầu mazut, tăng mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu điêzen; không chi Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 14/2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.869 đồng/lít (tăng 540 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 898 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 23.767 đồng/lít (tăng 620 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 21.562 đồng/lít (giảm 962 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 21.594 đồng/lít (giảm 982 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.636 đồng/kg (giảm 298 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Dù giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá xăng trong nước lại đồng loạt tăng khiến nhiều người bất ngờ. Lý giải về điều này, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, giá xăng kỳ này được điều chỉnh tăng là do kỳ điều hành này cơ quan điều hành giá ngừng trích lập quỹ bình ổn với hai mặt hàng xăng, trong khi kỳ trước đã chi quỹ bình ổn ở mức cao 850 đồng/lít với E5 RON92 và 950 đồng/lít với xăng RON95. "Khi nhà điều hành ngừng chi quỹ bình ổn, trừ đi mức giảm trong kỳ thì giá bán lẻ xăng trong nước tăng như đã công bố", vị này nói.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 30/01/2023 và kỳ điều hành ngày 13/02/2023 là: 97.011 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 1,848 USD/thùng, tương đương giảm 1,87% so với kỳ trước); 100.237 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 2,032 USD/thùng, tương đương giảm 1,99% so với kỳ trước); 111,314 USD/thùng dầu hỏa (giảm 6,396 USD/thùng, tương đương giảm 5,43% so với kỳ trước); 108,038 USD/thùng dầu điêzen (giảm 8,956 USD/thùng, tương đương giảm 7,65% so với kỳ trước); 385,289 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 12,514 USD/tấn, tương đương giảm 3,14% so với kỳ trước).
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng dầu phù hợp với biến động của giá dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; tạo dư địa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 5 đợt điều chỉnh, trong đó có 3 đợt tăng, 1 đợt giảm và 1 lần giữ nguyên.
Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, thời gian điều hành giữa 2 kỳ được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày (như hiện nay) xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.
Theo dự thảo, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán). Trường hợp thứ năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Đối với trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, dự thảo nêu rõ: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu để duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Còn Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Công Thương. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giải thích việc muốn Bộ Tài chính chủ trì điều hành giá xăng dầu, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương nêu rằng: Việc này nhằm tập trung quản lý giá về 1 đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương cũng muốn sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép cây xăng được lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn từ 2-3 nguồn.
Trong khi đó, quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Bộ Tài Chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.