Theo báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức doanh nghiệp năm 2021 của TKV gửi Bộ KH&ĐT và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, tháng 6/2022, TKV thông tin về số tiền lương, thưởng của người quản lý và cán bộ nhân viên.
Cụ thể, 16 lãnh đạo của TKV bao gồm có 01 Chủ tịch, 01 Tổng Giám đốc, 4 thành viên Hội đồng thành viên, 6 Phó Tổng Giám đốc, 01 kế toán trưởng, 01 Trưởng ban kiểm soát và 02 kiểm soát viên. Tổng số tiền mỗi tháng TKV bỏ ra để chi trả cho đội ngũ 16 lãnh đạo cấp cao của TKV là 520 triệu đồng, mỗi năm gần 13,1 tỷ đồng.
Hầu hết lãnh đạo của TKV có mức lương trên 32 triệu đồng, riêng ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV có lương cao nhất 36 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 910 triệu đồng/năm.
Lương Tổng Giám đốc Phạm Thanh Hải được hưởng 35 triệu đồng/tháng, bình quân hơn 886 triệu đồng/năm.
Các ông Phạm Văn Mật, Vũ Thành Lâm, Nguyễn Chiến Thắng và Nguyễn Anh Tuấn là thành viên Hội đồng thành viên của TKV đều được hưởng lương giống nhau hơn 32 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 810 triệu đồng/năm.
6 Phó Tổng Giám đốc gồm Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Ngọc Cơ, Vũ Anh Tuấn, Lê Quang Dũng, Phan Xuân Thuỷ, Nguyễn Tiến Mạnh đều được hưởng lương 32 triệu đồng, hơn 810 triệu đồng/năm.
Riêng ông Lê Thành Chung, Trưởng Ban kiểm soát TKV được hưởng lương 33 triệu đồng/tháng, tương đương gần 836 triệu đồng/năm, hai kiểm soát viên của TKV cũng có mức lương bằng Phó Tổng Giám đốc TKV 32 triệu đồng/tháng và hơn 810 triệu đồng/năm.
Duy nhất có Kế toán trưởng Đặng Thị Hương có mức lương thấp nhất trong đội ngũ 16 lãnh đạo của TKV với 29 triệu đồng/tháng, tương đương 734 triệu đồng/năm.
Về lương nhân viên, theo báo cáo của TKV, 6 tháng đầu năm lương nhân viên công ty mẹ của TKV (gồm 36 doanh nghiệp) đạt trên 183 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng trên 15 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, theo báo cáo của TKV, ngoài tiền lương, số tiền thưởng và thu nhập khác của người lao động của tập đoàn này cũng rất cao 11,6 triệu đồng/người/năm.
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ TKV trong 6 tháng năm 2022, số nợ phải trả của TKV cho người lao động là hơn 3.064 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng công ty mẹ của TKV phải chi hơn 510 tỷ đồng để chi trả các khoản lương, bảo hiểm, phụ cấp. Số tiền này tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Số chi phí phải trả ngắn hạn của công ty mẹ TKV cũng rất cao gần 3.762 tỷ đồng, tăng 28 lần so với chi phí phải trả trong ngắn hạn của công ty mẹ TKV cùng kỳ năm 2021.
Tại công ty mẹ, theo báo cáo trong 6 tháng 2022, chi phí bán hàng phải trả là hơn 1.200 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 1.030 tỷ đồng. Đây là các khoản chi phí khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh cũng như hiệu quả sản xuất của TKV.
Về báo cáo chung của tập đoàn và các công ty thành viên, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, TKV đang có số nợ phải trả rất lớn lên đến 74.400 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Riêng nợ ngắn hạn là hơn 44.430 tỷ đồng (chiếm 60% tổng số nợ phải trả), nợ dài hạn là hơn 30.000 tỷ đồng.
Trong nợ phải trả ngắn hạn, TKV đang có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lớn nhất với hơn 11.800 tỷ đồng và nợ phải trả cho người bán ngắn hạn 10.137 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ và nợ thuê tài chính dài hạn gấp đôi ngắn hạn, lên đến hơn 26.265 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu tiên chi phí lãi vay phải trả của TKV lên đến hơn 1.178 tỷ đồng tiền lãi, bình quân mỗi tháng TKV phải trả tiền lãi vay hơn 196 tỷ đồng, mỗi ngày là hơn 6,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2022 của TKV chỉ ước đạt 1.646 tỷ đồng, chỉ tăng 56 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, khoản chi trả lãi vay của doanh nghiệp này đã là 1.178 tỷ đồng, tức là tương đương gần 3/4 lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chỉ số lợi nhuận thấp cũng cho thấy chi phí phải trả của TKV hiện đang rất cao. Trong 6 tháng năm 2022, chi phí tài chính (bao gồm cả chi trả lãi vay), chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của TKV vào khoảng 6.676 tỷ đồng.