"Ôm" nhiều nhà, đất: TKV xin lùi cổ phần hóa, lợi nhuận bốc hơi gần nửa và khoản nợ 55 nghìn tỷ

Nhật Minh Thứ sáu, ngày 11/09/2020 16:11 PM (GMT+7)
Thu về gần 6 vạn tỷ trong nửa đầu năm nhưng lợi nhuận của Tập đoàn Than Khoáng sản TKV lại sa sút và vẫn ngập trong nợ nần. TKV mới đây còn lên tiếng xin lùi thời gian cổ phần hóa vì nhiều nhà, đất.
Bình luận 0

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2020 với lợi nhuận nửa đầu năm "bốc hơi" gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Lợi nhuận sa sút, vẫn ngập trong nợ nần

Cụ thể, nửa đầu năm nay, Tập đoàn Than Khoáng sản TKV đạt doanh thu thuần 57.459 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do giá vốn trong kỳ tăng nhanh (tăng 4%), kéo lợi nhuận gộp của TKV về 7.798 tỷ đồng. Kết quả này giảm tới 19% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm, TKV ghi nhận 395 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng tới 70%, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá tăng mạnh.

Ngược lại, chi phí tài chính lại giảm 10%, xuống còn 2.107 tỷ đồng, giảm 10%. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 20% về mức 2.309 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại tăng 14% lên 2.302 tỷ đồng.

Dù vậy, chốt 2 quý, "trùm khoảng sản" TKV báo lãi trước thuế 1.425 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của TKV ở mức trên 132.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định trên 67.000 tỷ đồng, hàng tồn kho với gần 26.000 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn với trên 11.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, riêng hàng tồn kho ghi nhận mức tăng mạnh tới 72%, cho thấy TKV đang có xu hướng gia tăng dự trữ trong bối cảnh giá than đang duy trì ở mức thấp.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2020 của TKV ở mức trên 42.000 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức trên 90.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu. TKV vẫn ngập trong nợ nần với trên 55.000 tỷ đồng vay và thuê tài chính, chiếm gần 42% tổng tài sản.

Sa sút lợi nhuận và ngập trong nợ nần, TKV xin lùi cổ phần hóa vì nhiều nhà đất - Ảnh 2.

Sa sút lợi nhuận và ngập trong nợ nần, TKV xin lùi cổ phần hóa vì nhiều nhà đất (Ảnh minh họa)

Kêu khó vì "ôm" nhiều bất động sản, TKV xin lùi cổ phần hóa

Trong một diễn biến khác, mới đây Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có báo cáo về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác cổ phần hóa, đồng thời xin lùi thời hạn cổ phần hóa.

Phía TKV cho biết, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, để cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định cổ phần hóa thì trước đó phải có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Vì vậy, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV hoàn toàn phụ thuộc vào Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

"Các cơ sở nhà, đất của TKV là rất lớn, nằm ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau. Vì vậy theo tính toán của TKV dự kiến phải hết tháng 10/2020 mới hoàn thiện việc lập các biên bản hiện trang các cơ sở nhà đất. 

Trên cơ sở các biên bản hiện trạng đó, Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp cần có thời gian để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính. Vì vậy, thời gian phê duyệt được Phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV dự kiến hoàn thành trong quý II/2021", báo cáo của TKV cho hay.

Bình luận về việc TKV xin lùi cổ phần hóa cũng như câu chuyện chậm cổ phần hóa DNNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay Chính phủ vẫn nói về vấn đề quy trách nhiệm rất nhiều, nhưng chưa thấy người đứng đầu doanh nghiệp để chậm cổ phần hóa nào bị xử lý. n

"Nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước, cả về tài chính, con người đến đất đai... nhưng chưa được tận dụng hết, khiến lợi ích thu về thấp hoặc rất thấp, thậm chí là thua lỗ. Cho nên việc phân bổ lại nguồn lực là cấp thiết cho tái cơ cấu nền kinh tế. Đây không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp, bộ ngành mà là vấn đề của cả đất nước", bà Lan nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu còn tiếp diễn tình trạng cấp trên, cấp dưới chây ì vì lợi ích cá nhân thì còn câu chuyện doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa. Ông Long khẳng định, việc chậm cổ phần hóa không chỉ gây thất thoát vốn cho nhà nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem