Dân Việt

Mùa cá nhảy hầm ở Kiên Giang, xem dân đào rãnh dẫn dụ cá đồng về ao, vào ruộng

Mây Hồng 18/02/2023 18:34 GMT+7
Từ xưa đến nay, người dân miền quê Nam bộ, trong đó có Miệt Thứ (Kiên Giang) đã nghĩ ra cách bắt cá đồng vô cùng thú vị, đó là đào các rãnh để cá dễ di chuyển về lung, bàu, ao, đìa trũng nằm giáp giữa vườn và ruộng.

Khi gió bấc thổi về và những cơn mưa cuối mùa cũng dứt hạt, nước trên ruộng bắt đầu rút cạn dần, cá đồng tìm đường ra khỏi ruộng khô để đến nơi ở mới. Cá di chuyển về nơi ven bờ ruộng có những đường mương trũng, lung bàu để trú ngụ. Khi đó, cá nhảy từ ruộng nước cạn sang nơi nước sâu hơn.

Từ xưa đến nay, người dân miền quê Nam bộ đã nghĩ ra cách bắt cá vô cùng thú vị, đó là đào các rãnh để cá dễ di chuyển về lung, bàu, ao, đìa trũng nằm giáp giữa vườn và ruộng.

Sau mùa cá, ao, đìa của người dân lại đầy ắp cá đồng trú ngụ và sinh sôi, đó vừa là nguồn lương thực dự trữ dùng trong dịp tết vừa để dành cho những tháng hạn sau tết. 

Nếu mương, ao nhà cách xa ruộng, người dân đào hầm quanh bờ đê để cá nhảy qua chỗ nước sâu sẽ rơi vào hầm. Việc đào hầm bắt cá diễn ra mỗi năm một lần vào mùa gió bấc, hoạt động này dần trở thành tập quán sinh hoạt của người dân.   

Vào mùa cá nhảy hầm, hầu như nhà ai ở xóm tôi cũng làm vài cái hầm để bắt cá. Mặc dù tiết trời se lạnh nhưng từ sáng sớm cha tôi đi ra thăm ruộng, quan sát đường di chuyển của cá để chọn vị trí đào hầm. Hầm được mô phỏng theo các vùng trũng trong tự nhiên quanh ruộng, là nơi đón đàn cá ra ruộng.

Mùa cá nhảy hầm ở Kiên Giang, xem dân đào rãnh dẫn dụ cá đồng về ao, vào ruộng - Ảnh 2.

Từ sáng sớm, người lớn và trẻ em ở vùng quê miền Tây đã bắt cá nhảy hầm.

Theo cha tôi, việc đào hầm phải chọn chỗ có đường mòn dẫn ra nơi có nước. Hầm có hình trụ, miệng hầm tròn, phần trong của hầm cá phải có độ dốc chúi xuống để cá vào rồi không phóng ra được. 

Sau khi đào xong, người làm hầm phải đắp bùn kỹ và vuốt láng để cá tưởng đó là đường di chuyển của những con cá đi trước mà bơi vào hầm. Sau khi đào hầm xong, thỉnh thoảng chủ hầm đi một vòng kiểm tra để tát hết nước ngấm vào, trét lại bùn chờ cá nhảy vào.

Hồi trước, đèn pin còn hiếm nên cha tôi thường tự làm đèn đi soi bằng dầu. Đèn soi được làm bằng lon sữa bò cũ chứa dầu, bên trên xỏ dây dẫn dầu, sau đó làm thêm lồng đèn bên ngoài bằng gỗ để tránh gió. Mọi thứ đơn giản nhưng hữu dụng và thú vị. 

Tập quán có gì dùng nấy nghe có vẻ tùy ý, xuề xòa nhưng lại rất tinh tế bởi qua đó cho thấy tính cách cần cù, chịu khó, sáng tạo, biết tận dụng lại vật dụng bỏ đi vừa tiết kiệm vừa góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi ngồi quanh xem cha làm đèn mà háo hức chờ được đi thăm hầm cá.

Khi mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi theo chân cha và các chú, các bác đi thăm hầm. Những chiếc hầm đầy ắp cá là thành quả thu hoạch được sau một ngày chờ đợi. Biết chúng tôi thích bắt cá nên cha đứng rọi đèn để cho chúng tôi tha hồ bắt cá thỏa thích. 

Đi bắt hết các hầm thì trời cũng sáng dần, lúc này, mấy đứa nhỏ trong xóm cũng tập trung ra xem cá, trời tháng chạp, gió và sương mù dù lạnh nhưng đứa nào cũng háo hức đi xem.

Cha bắt vài con cá lóc to nướng cho chúng tôi ăn. Giữa tiết trời se lạnh, bên ánh lửa bập bùng tí tách của rơm và lá cây khô, vừa sưởi ấm vừa ngửi mùi cá nướng thơm phức thật thú vị làm sao. 

Mùa này, tiết trời hanh khô nên các rau đồng không còn xanh non mơn mởn như trong mùa mưa nhưng bù lại là lúc mấy cây so đũa trước nhà trổ bông. Với tập quán mùa nào thức ấy, có gì dùng nấy của người dân quê tôi thì chỉ với mớ bông so đũa và vài con cá lóc, cá trê đã có được bữa cơm ngon lành với món canh chua nấu mẻ, nêm ngò gai thơm phức. 

Bên mâm cơm với nhiều món ngon từ cá đồng, mọi người quây quần bên nhau giữa tiết trời se lạnh, nhấp vài ly rượu thuốc vừa ấm bụng vừa giúp đỡ nhức mỏi. Khi đó, những câu chuyện về mùa cá nhảy hầm quê tôi lại được nhắc đến suốt buổi chuyện trò. Mỗi người một ít kinh nghiệm truyền cho nhau để đúc kết cho mùa sau. 

Mùa cá nhảy hầm nhà nào cũng thu hoạch nhiều cá, đa số là cá lóc, còn lại là cá trê, cá rô vì cá lóc phóng cao và khỏe còn cá trê, cá rô chủ yếu di chuyển theo bùn rơi vào hầm nên không nhiều. Phần bán kiếm thêm thu nhập sắm đồ đạc và mua vài bộ đồ mới cho con cháu. 

Phần còn lại số đem rọng, số xẻ phơi khô để dành đãi khách dịp tết. Có thêm món khô, các bà, các mẹ có thể làm vài món lạ miệng. 

Tháng chạp quê tôi thật rộn ràng với các hoạt động dỡ chà, tát đìa, đào hầm bắt cá, thu hoạch lúa…

Mỗi năm một mùa, cứ vậy in sâu vào ký ức của bao người sinh ra và lớn lên ở vùng Miệt Thứ (Kiên Giang) trù phú cá tôm. 

Ngày nay, mặc dù tập quán bắt cá nhảy hầm ở quê không nhiều như trước nhưng kỷ niệm về những ngày đi đào hầm, bắt cá với bao niềm vui, tiếng cười rộn rã sẽ còn mãi trong ký ức người dân miền quê sông nước Nam bộ.