Một ngọn núi chỉ cao 60m, một tháp Chăm pa, cả 2 đều trùng tên, cùng soi bóng xuống dòng sông nổi tiếng Phú Yên

Thứ sáu, ngày 17/02/2023 15:51 PM (GMT+7)
Tháp Nhạn tọa lạc trên Núi Nhạn thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn có độ cao khoảng 60m so với mực nước biển, chu vi chân núi khoảng 1,5km; phía Nam giáp đường Bạch Đằng và Sông Chùa (một phụ lưu của sông Đà Rằng), phía Đông, Tây và Bắc giáp khu dân cư...
Bình luận 0

Vị trí Tháp Nhạn tọa lạc trên Núi Nhạn cách cửa Đà Diễn (cửa sông Đà Rằng đổ ra biển) khoảng 1,5km.

Kiến trúc Tháp Nhạn là sự chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định, niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII.

Một ngọn núi chỉ cao 60m, một tháp Chăm pa, cả 2 đều trùng tên, cùng soi bóng xuống dòng sông nổi tiếng Phú Yên - Ảnh 1.

Tháp Nhạn (một trong những tháp Chăm pa cổ) tọa lạc trên đỉnh Núi Nhạn, thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Dân Phú Yên.

Nhiều tác phẩm điêu khắc gắn với di tích Tháp Nhạn, trong đó, tiêu biểu nhất là đài thờ đặt trong lòng tháp thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mắm có niên đại vào khoảng thế kỷ XII. Tháp Nhạn gồm 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp.

Đế tháp bao gồm nhiều gờ giật và hơi choãi ra tạo thế vững chắc, chu vi là 12,2m x 12,2m.

Thân tháp hình trụ vuông có chu vi khoảng 9m x 9m, cả phần đế và thân tháp cao 12,4m. Trên mỗi mặt của thân tháp có trang trí 5 trụ ốp tường (kể cả 2 trụ góc), giữa các trụ ốp có đường gờ giật cấp tạo thành đường rãnh ăn sâu vào thân tháp. Phía dưới và phía trên các trụ ốp tạo hình loe rộng, để trơn, không chạm trổ hoa văn. 

Phía trên thân tháp tiếp giáp với phần mái xây thành gờ loe rộng tạo nên các đường băng chạy bốn phía làm cho ngôi tháp có dáng vẻ vững chắc và bớt đi sự đơn điệu giữa phần tiếp giáp giữa các khối vuông.

Cửa tháp nằm ở phía Đông, nhưng đã bị sụp đổ. Căn cứ vào vết tích nền móng còn lại, phần xây lồi ra phía trước dài 3m, cửa tháp hiện nay cao 2,4m; phía trên xây giật cấp tạo thành vòm cuốn.

Mái tháp có 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên mỗi tầng của mái tháp đều có trang trí cửa giả ở bốn mặt. Các cửa giả này cũng được trang trí rất cầu kỳ, theo mô tả của H.Pacmentier, từ đầu thế kỷ XX vẫn còn thấy được hình thủy quái đang cấu xé những con rắn. Hiện nay, chỉ còn thấy một số trụ đá hình chóp cụt 4 mặt ở hai bên các cửa giả trên các tầng mái.

Tầng mái cuối cùng của Tháp Nhạn thu nhỏ dần và kết thúc trên đỉnh tháp là một trụ đá hình chóp nhọn 4 mặt, cao 1,4m, phía dưới chân của chóp đá này có trang trí 8 cánh sen.

Trên 4 góc của các tầng mái đều có hình chóp nhiều tầng, đó là hình thu nhỏ của các ngôi tháp, trên đỉnh thường được trang trí hình chóp nhọn bằng đá, nhưng ở Tháp Nhạn nay không còn. 

Trong quá trình trùng tu đã tìm thấy 11 chóp đá các loại, có thể đây là những hiện vật bị rơi xuống từ trên mái tháp. Ngoài ra tại khu vực Tháp Nhạn còn tìm thấy được một tượng bò Nanđin thể hiện phần đầu và phần cổ, từ phần thân trở về sau là một khối hình chữ nhật.

Một ngọn núi chỉ cao 60m, một tháp Chăm pa, cả 2 đều trùng tên, cùng soi bóng xuống dòng sông nổi tiếng Phú Yên - Ảnh 2.

Núi Nhạn-nơi Tháp Nhạn tọa lạc là một ngọn núi cao 60m so với mực nước biển. Cả ngọn Núi Nhạn và Tháp Nhạn đều soi mình xuống dòng sông Đà Rằng nổi tiếng ở Phú Yên. Ảnh: Dân Phú Yên.

Trong các năm từ 1997 đến 1999, di tích Tháp Nhạn đã được trùng tu, tôn tạo, hiện nay mặt tường phía ngoài tháp phần mới tu bổ, được xây thụt vào so với mặt tường cũ 5cm.

Lòng Tháp Nhạn có bình đồ hình vuông, diện tích 4,6m x 4,6m, tường phía trong xây theo kỹ thuật xây giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng, vì thế lòng tháp có hình như một chiếc chuông.

Gạch xây tháp là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài khoảng 40cm, chiều rộng 20cm và chiều dày 8cm. Kỹ thuật xây dựng chồng khít các viên gạch lên nhau tạo thành các lớp tường dày từ 2m – 2,5m.

Sân Tháp Nhạn bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 38m x 38m, lát gạch màu nâu kích thước 40cm x 40cm.

Phía sau Tháp Nhạn có Bia giới thiệu di tích được xây dựng vào năm 2011, hình lá nhĩ chiều rộng phần chân 1,9m, cao 2,9m, dày 0,45m. Mặt Bia làm bằng đá granit màu đỏ rộng 0,9m, cao 1,9m.

Thông thường các ngôi tháp Chăm pa thờ bộ ngẫu tượng gồm linga – yoni, trong đó linga là biểu tượng của thần Siva. 

Tuy nhiên, một số ngôi tháp lại thờ thần Poh Inư Naga (còn gọi là Poh Naga) - là tín ngưỡng của cư dân bản địa cổ. Tiếng Chăm pa cổ Poh là vị thần, Inư là mẹ, Naga là xứ sở, Poh Inư Naga có nghĩa là Mẹ Xứ Sở. 

Poh Inư Naga là một vị thiên thần cai quản toàn bộ đất đai, rừng núi, sông biển, giáng trần để giúp đỡ, đem lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Tháp Nhạn là một trong những số ít ngôi tháp thờ Poh Nagar.

Tại Tháp Nhạn trên ngọn Núi Nhạn, ngày 23 tháng Ba Âm lịch hàng năm, diễn ra lễ Vía Bà (tức là Bà Thiên Y A Na), kéo dài từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Ba, trong đó, ngày 21 tháng Ba là chính lễ. 

Lễ Vía Bà thu hút nhân dân trong tỉnh Phú Yên và một số tỉnh lân cận tham gia, trong đó có đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Một ngọn núi chỉ cao 60m, một tháp Chăm pa, cả 2 đều trùng tên, cùng soi bóng xuống dòng sông nổi tiếng Phú Yên - Ảnh 3.

Tháp Nhạn tọa lạc trên đỉnh Núi Nhạn lung linh trong đêm. Ảnh: Đoàn Phi.

Những người tham gia hành lễ thường tổ chức thành đoàn từ 30 đến 50 người, dâng các loại lễ vật, hoa quả, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp,... để cầu xin Bà phù hộ cho cuộc sống no đủ, bình an, may mắn. Một số người còn tổ chức múa hầu bóng tại tháp, hàng năm còn có Hội thơ nguyên tiêu…

Tháp Nhạn là toà tháp duy nhất còn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Phú Yên. Cũng như nhiều ngôi tháp Chăm pha cổ còn lại trên dải đất miền Trung, Tháp Nhạn là công trình kiến trúc thể hiện bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế của những người thợ thủ công xưa.

Bên cạnh đó, kỹ thuật xây dựng Tháp Nhạn nói riêng, cũng như Tháp Chăm pa nói chung vẫn là một trong những đề tài nghiên cứu hấp dẫn thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Di tích Tháp Nhạn trên ngọn Núi Nhạn là chứng tích về một quá trình phát triển lâu dài của vùng đồng bằng Tuy Hoà trong tiến trình lịch sử. Căn cứ vào phong cách kiến trúc và nghệ thuật thể hiện trên ngôi tháp này cho thấy trong quá khứ vùng đồng bằng Tuy Hoà có nhiều ảnh hưởng với vùng Vijaya (Bình Định hiện nay).

Sự xuất hiện và tồn tại của Tháp Nhạn qua câu chuyện cổ về Tháp Nhạn và tháp Cổ Cò của người Việt phản ánh về quá trình khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt trong thế kỷ XVI, về sự giao thoa văn hóa, tinh thần hoà hiếu trong mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Chăm trên vùng đất Phú Yên trong quá khứ.

Với những giá trị đặc biệt nêu trên, Tháp Nhạn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.

Khánh Chi (Cổng TTĐT Cục Di sản Văn Hóa (Bộ VHTT&DL))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem