Thúc đẩy phát triển nhân lực nông nghiệp chất lượng cao
Đây là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp; phát triển toàn diện cả về phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cũng như phát triển các giải pháp sáng tạo cho ngành nông nghiệp tại TP.HCM nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Huy Thắng – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Nông dược, Syngenta Việt Nam chia sẻ: Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để mở ra con đường hội nhập quốc tế giữa Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, theo một số báo cáo, hiện lao động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 80% trên tổng số lao động. Trong khi đó, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu.
Là tập đoàn toàn cầu hàng đầu về nông nghiệp, ngoài đầu tư trong nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ mới, Syngenta luôn tiên phong trong việc đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực tương lai. Qua việc thực hiện các giải pháp nâng cao, Syngenta góp phần thúc đẩy phát triển một thế hệ nhân sự có thể đáp ứng đầy đủ cả về kỹ năng và tư duy, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
"Xác định nguồn lực con người là nhân tố dẫn đến thành công, Syngenta luôn xem việc hợp tác với các Viện nghiên cứu, các trường đại học để phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao là một trong những mục tiêu quan trọng. Chương trình hợp tác giữa Syngenta Việt Nam và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM là một trong những chương trình hợp tác trọng điểm của Syngenta trong năm 2023. Ðây là bước tiến quan trọng để Syngenta và Đại học Nông Lâm đồng hành, gắn kết lâu dài, chặt chẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp", ông Thắng nói.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, hiện nay tỷ lệ đào tạo ngành nông lâm nghiệp là thấp, nhất trong tất cả các ngành đào tạo. Học sinh không muốn học nông nghiệp, thích làm việc phòng máy lạnh, máy tính chứ không thích ra đồng, vào trang trại...
Qua đợt dịch bệnh Covid-19 có thể thấy rằng, nông nghiệp chính là bệ đỡ trong khó khăn. Muốn phát triển nông nghiệp cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Ông Hùng nhận định, các lĩnh vực của Syngenta đều gắn với hoạt động của trường, trong đó Khoa Nông học là có liên quan trực tiếp nhất. Với việc hợp tác lần này, ông hy vọng hai bên đều có lợi ích thiết thực nhất.
Trong chương trình hợp tác với Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM lần này, Syngenta sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm: Đào tạo - tập huấn, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học.
Đối với đào tạo - tập huấn, Syngenta sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tới trụ sở tham quan môi trường làm việc thực tế, thực tập chuyên môn với đội ngũ hướng dẫn dày dặn kinh nghiệm, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, hai bên tổ chức những chương trình tọa đàm, diễn đàn, hội nghị khoa học...
Đây là cơ hội để các em sinh viên được gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia, kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp. Từ đó, Syngenta đảm bảo bám sát định hướng đào tạo và bồi dưỡng thế hệ nhân lực chất lượng cao với đội ngũ cán bộ chuyên môn vững vàng hỗ trợ bà con nông dân trong tiến trình sản xuất canh tác nông nghiệp.
Về chuyển giao công nghệ, đại diện Syngenta cho biết, đơn vị này nơi tiên phong những công nghệ mới nhất, đóng góp không nhỏ cho nên nông nghiệp Việt Nam thông qua các giải pháp an toàn và bền vững. Trên nền tảng đó, hai bên tăng cường các khóa tập huấn chuyên môn và chuyển giao công nghệ, xây dựng và ứng dụng các mô hình sản xuất vào các lĩnh vực có liên quan giúp nông dân cải thiện phương thức canh tác, tăng năng suất và chất lượng mùa vụ.
Cuối cùng, ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hai bên sẽ phối hợp hỗ trợ sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học - khảo nghiệm về các lĩnh vực khác nhau phục vụ sản xuất. Thông qua các hoạt động đó, Syngenta sẽ phối hợp với những nhân sự kỹ thuật chuyên môn đã qua đào tạo giới thiệu những công nghệ mới nhất ra thị trường, giúp người nông dân áp dụng vào hoạt động canh tác nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Dịp lễ ký kết hợp tác này, Syngenta đã trao tặng học bổng cho cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học xuất sắc tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Tổng giá trị học bổng là 150 triệu đồng.
Bà Lê Thị Kim Thúy - Giám đốc nhân sự Syngenta Việt Nam chia sẻ, hiện nay nguồn nhân lực nông nghiệp đang rất thiếu, thiếu cả về sinh viên vừa ra trường lẫn những lao động có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức cao về lĩnh vực nông nghiệp. Việc này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như lĩnh vực nông nghiệp không hấp dẫn, nhiều nghề nghiệp khác kiếm tiền nhanh hơn...
Sau khi ký kết hợp tác với trường, Syngenta sẽ trực tiếp đến gặp gỡ phòng ban và sinh viên để chia sẻ, định hướng, giúp các em hiểu rằng, nông lâm nghiệp sẽ là nghề nghiệp có tương lai phát triển tốt, có nhiều cơ hội việc làm... từ đó giúp các em thêm động lực để học tập.
Ngoài ra, trong các buổi tư vấn tuyển dụng tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Syngenta cũng sẽ tham gia để tuyển dụng.