Tại Hội nghị bàn giải pháp lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống Giám sát tàu cá được tổ chức mới đây, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản cho biết, tính đến 27/2, số lượng tàu cá từ 15 mét trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.787/29.791 tàu cá (đạt tỉ lệ 96,62%). Số lượng tàu cá chưa được lắp đặt tại các tỉnh còn 972 tàu. Các tỉnh có số lượng nhiều tàu chưa lắp đặt: Quảng Ngãi (238 tàu); Kiên Giang (193 tàu); Bà Rịa Vũng Tàu (126 tàu); Tiền Giang (80 tàu); Quảng Bình (64 tàu).
Ông Lê Văn Ninh cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác lắp đặt, quản lý và vận hành hệ thống giám sát hiện nay tại các địa phương. Theo ông Ninh, hiện nay, qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày còn thấp so với số lượng đã được lắp đặt.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ rất thấp dưới 30% điển hình như: Đà Nẵng (5%), Thừa Thiên Huế (13%), Nghệ An (27%), Quảng Trị (16%), Hà Tĩnh (17%), Thanh Hóa (22%), Quảng Ngãi (23%).
Cũng theo ông Ninh, một thực trạng đáng quan ngại hiện nay là tình trạng tàu mất kết nối dài ngày vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn, trong đó, số lượng tàu cá bị mất kết nối trên 6 tháng là 4.792 tàu (chiếm 17% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống GSTC).
Đặc biệt, đối với tàu cá bị mất kết nối trên 1 năm là 2.372 tàu (chiếm 8% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống GSTC). Các tỉnh có số lượng tàu bị mất kết nối nhiều như: Thanh Hóa (312/1132 chiếm 28%), Hà Tĩnh (23/100 chiếm 23%), Quảng Ngãi (390/2959 chiếm 13%), Bình Thuận (265/1950 chiếm 14%), Bà Rịa – Vũng Tàu (269/2647 chiếm 10%), Kiên Giang (241/3625, chiếm 7%).
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản cũng cho biết, hiện nay vẫn còn 3/28 tỉnh/thành phố chưa tổ chức trực là Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi. Ngoài ra, còn 4 địa phương chưa xây dựng các quy trình xử lý tàu các vi phạm vượt ranh giới; tàu cá mất kết nối trên biển là: Hà Tĩnh, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu. Và vẫn còn nhiều địa phương chưa ban hành quy trình tháo gỡ, lắp đặt lại thiết bị...
Các địa phương cũng đã chỉ ra những bất cập khó khăn trong quá trình thực hiện lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống Giám sát tàu cá. Đặc biệt, khó khăn trong công tác củng cố hồ sơ xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản. Các vướng mắc liên quan căn cứ cơ sở pháp lý trong xác định đường ranh giới trên biển, xác định trường hợp mất kết nối trên bờ đối với khu vực các đảo.
Việc ngừng cung cấp dịch vụ vệ tinh của nhà cung cấp thiết bị gây khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã kiến nghị một số giải pháp để quản lý một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với hệ thống giám sát tàu cá.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau đã xử phạt tổng số tiền trên 100 triệu đối với những chủ tàu cá có hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi chưa được phép, không duy trì thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi tham gia khai thác trên biển, không lắp đặt thiết bị hành trình theo quy định. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản. Tăng cường công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức trực 24/24 hệ thống giám sát tàu cá.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp không ít những vướng mắc. Thứ nhất, liên quan đến quy định duy trì thiết bị giám sát hành trình 24/24h trong quá trình hoạt động khai thác trên biển, trong trường hợp trục trặc, lỗi máy thì sử dụng thiết bị lắp khác để liên lạc vào trạm bờ xác nhận.
Thứ hai, thiết bị giám sát hành trình hiện nay chưa được xác định là thiết bị dùng cho nghiệp vụ xử lý vi phạm để phục vụ phạt nguội. Thứ ba, căn cứ về ranh giới trên biển để xác định tàu cá vượt ranh giới chưa được xác định cụ thể, vì thế quá trình điều tra xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, ông Triều nhấn mạnh.
Đại diện Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực để tổ chức trực 24/24 tại địa phương còn rất thiếu, trong khi đó biên chế không tăng. Để kịp thời phát hiện xử lý vi phạm đối khối tàu cá trên 15m, kiến nghị Tổng cục Thủy sản nghiên cứu thống nhất đề xuất để Tổng cục Thủy sản quản lý chung đối với khối tàu trên 15m. Địa phương sẽ có trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm khi có yêu cầu từ Tổng cục Thủy sản.
Liên quan đến các khó khăn vướng mắc về cở sở pháp lý xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, Nghị định 42 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã quy định rất rõ những hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra xác định nếu phát hiện có hành vi vi phạm, các lực lượng chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý.
"Đối với thiết bị giám sát hành trình hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ NNPTNT để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thiết bị giám sát hành trình vào danh mục công cụ nghiệp vụ để làm căn cứ xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm vùng biển được khai thác cũng như hỗ trợ chính sách liên quan", đại diện Bộ Tư pháp cho hay.