Mỗi khi về Côn Sơn, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) dâng hương đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, chợt nghĩ về bậc tiền nhân mà không khỏi xót xa. Bởi Tư đồ Trần Nguyên Đán là dòng dõi hoàng tộc, hậu duệ của Vua Trần Thái Tông. Ông là một người tài năng, đức độ nhưng cũng bất lực trước sự suy vi của triều chính, nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của Vương triều Trần mà không làm gì được.
Gia thế khủng, hậu duệ của Vua Trần Thái Tông
Đền thờ cụ Trần Nguyên Đán nằm trên lưng chừng núi Côn Sơn, bên phải Thanh Hư Động, bên trên lệch trái với đền thờ người cháu ngoại, Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Đền thờ nằm dưới tán những cây thông cổ thụ, không gian yên tĩnh, thanh tịnh thỉnh thoảng có một vài nhóm du khách lên đền thắp hương.
Ông Vũ Đại Dương, Trưởng phòng Quản lý đền thờ Nguyễn Trãi (Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc) giới thiệu: Đền thờ cụ Trần Nguyên Đán được xây dựng vào năm 2005. Đền được xây theo kiên trúc chữ Đinh, toà tiền tế chồng diêm hai tầng tám mái uy nghi. Đền tựa núi Côn Sơn, Minh đường (theo hướng đông nam) nhìn xuống hồ Côn Sơn - nơi tụ phong, tụ thuỷ, lấy núi An Lạc làm Tiền Án, dãy An Sinh thế long chầu.
Trong đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo lối thức cổ truyền. Gian Tiền tế bài trí ban thờ cộng đồng, hai bên là ban thờ gia tiên và Sơn thần. Hậu cung là ban thờ Trần Nguyên Đán. Tượng quan Tư Đồ thần thái uy nghiêm, nhân từ, vẫn nặng lòng yêu nước thương dân.
Theo sử sách ghi lại, Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326 - 1390), hiệu là Băng Hồ, quê ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Nam Định) là dõng dõi quý tộc nhà Trần. Chính xác hơn, ông là hậu duệ 5 đời của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), cháu bốn đời của Thượng tướng, Thái Sư Trần Quang Khải.
Cụ thể, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải có khá nhiều con, trong đó có người con là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái có tài năng xuất chúng, được ví như Quản Trọng và Gia Cát Lượng, triều đình định dùng vào việc lớn. Đáng tiếc, ông mất sớm. Con của Văn Túc Vương Trần Đạo Tái là Uy Túc Vương Trần Văn Bích, người có nhiều công lao trong việc giúp rập triều Trần Minh Tông (1314 - 1329). Uy túc Vương được phong tới hàm Nhập Nội Thái Bảo. Một trong những người con của Uy Túc Vương Trần Văn Bích là Trần Nguyên Đán.
Trần Nguyên Đán vốn thông minh đức độ nên được bổ làm quan từ khi còn trẻ tuổi. Tiếp nối hào khí Đông A từ các đời trước, ông hăng hái làm việc với mong muốn được đem hết sức mình phục vụ đất nước, đáp đền ơn vua.
Đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), Trần Nguyên Đán được bổ nhiệm giữ chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián vua.
Đa tài và tư tưởng tiến bộ
Trò chuyện với ông Vũ Đại Dương, được ông cho biết: "Cụ Trần Nguyên Đán là một người tài năng trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn thơ, thiên văn học. Cụ có tư tưởng tiến bộ, nhân văn, thông qua việc cho con gái học chữ như con trai, cho con gái kết hôn với người bình dân. Nhờ có tư tưởng tiên bộ ấy mà cụ có được người cháu ngoại kiệt xuất là Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi".
Theo sử sách Trần Nguyên Đán là một người giỏi văn thơ. Ông có tập thơ tên là "Băng Hồ ngọc hác tập" gồm 10 quyển. Hiện nay còn 51 bài chép trong "Toàn Việt thi lục". Phần lớn thơ của ông mang tâm sự, chán nản, lo đời, lo cho dòng họ. Ngoài ra, còn có một số bài phản ánh xã hội và đời sống nhân dân cuối đời Trần như: "Nhâm Dần lục nguyệt tác", "Dạ quy chu trung tác", "Bất mị".
Ông còn là nhà thiên văn và lịch pháp lừng danh của lịch sử nước nhà. Một trong những người đặt nền móng cho ngành Thiên văn học ở Việt Nam. Ông đã soạn ra cuốn "Bách thế thông kỉ thư" trong đó ghi chép các nhật nguyệt thực và chuyển động của 5 hành tinh (Thủy, Kim, Hỏa, Mộc, Thổ) từ thời Hồng Bàng đến thời Lý, Trần. Tiếc rằng cuốn sách quý này đã bị giặc Minh đốt phá vào đầu thế kỉ XV.
Trong cuộc sống, Trần Nguyên Đán có nếp nghĩ, nếp sống mang tư tưởng tiến bộ hơn hẳn so với xã hội đương thời. Chẳng hạn trong việc dạy con, ông muốn các con gái của ông cũng được học hành chữ nghĩa chu đáo như con trai. Vì lẽ này, ông đã mời học trò giỏi như: Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh về làm gia sư dạy học cho hai con gái của ông. Nguvễn Phi Khanh lo dạy cho Trần Thị Thái, còn Nguyễn Hán Anh lo dạy cho Trần Thị Thai.
Tư tưởng tiến bộ của ông còn thể hiện việc ứng xử với con trước việc "tày trời" thuộc về nền nếp đạo đức gia phong, đó là việc con gái Trần Thị Thái "ăn cơm trước kẻng" với Nguyễn Phi Khanh và có thai, nếu ở gia đình khác bi kịch sẽ xảy ra bằng hình phạt rất khắc nghiệt, đó là "cạo đầu bôi vôi thả trôi sông", còn ông khi hay tin lại ứng xử rất bao dung, khoan hòa.
Dã sử chép rằng, khi biết được chuyện này, Trần Nguyên Đán chẳng những không giận mà còn nói rằng: "Vận nước sắp mất, biết đâu đó chẳng phải là trời xui nên như thế. Không chừng đấy lại là phúc lành cho nhà ta". Nói rồi, cho người đi tìm Nguyễn Phi Khanh về.
Nhờ tư tưởng tiến bộ của ông mà một học trò xuất thân bình dân như Nguyễn Phi Khanh đã kết hôn với tiểu thư cành vàng lá ngọc, danh gia vọng tộc Trần Thị Thái. Cũng vì vậy, sau này đất nước có được người Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi cứu nước, cứu dân.
Đau đáu trước an nguy của Vương triều Trần
Sinh thời, Trần Nguyên Đán từng làm quan, trải thờ đến bốn đời vua Trần là: Trần Dụ Tông (1341-1369), Trần Nghệ Tông (1370 - 1372), Trần Duệ Tông (1372 - 1377) và Trần Phế Đế (1377 - 1388). Ông luôn nhiệt huyết với công việc vua giao. Đặc biệt, ông luôn lo lắng về sự an nguy của đất nước, dòng họ và vương triều. Khi triều đình có biến, ông không ngại xả thân chiến đấu khôi phục triều Trần. Đó là cuộc chính biến dẹp loạn Dương Nhật Lễ năm 1369 – 1370 khôi phục Vương triều Trần.
Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (tức 29/6/1369), vua Trần Dụ Tông băng hà, trước khi mất đã ban chiếu truyền ngôi cho Trần Nhật Kiên (tức Dương Nhật Lễ). Do Vua Trần Dụ Tông không có con nên khi mất đã truyền lại ngôi cho con của anh trai Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục là Trần Nhật Kiên, nhưng thực ra Trần Nhật Kiên lại không phải con đẻ của Cung Túc Vương.
Sử cũ chép lại, Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục là một người ăn chơi trác táng, trong một lần đi chơi bên ngoài gặp phải cô đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, Cung Túc Vương ép lấy cô đào hát về làm vợ trong khi cô này đã có thai với Dương Khương. Sau khi sinh ra, Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục cứ cho đó là con của mình.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, lại cho đón cha ruột là Dương Khương vào triều, giữ chức Lệnh thư gia, có ý đổi sang họ Dương. Điều này khiến Hiến Từ Thái hậu tỏ ý hối hận việc lập Nhật Lễ. Biết chuyện, Nhật Lễ ngầm đánh thuốc độc giết chết "bà nội" vào ngày 14 tháng 12 năm Kỷ Dậu (tức 12/1/1370).
Chính điều này, khiến cho các tôn thất nhà Trần rất tức giận, họp lại bàn mưu tính kế làm chính biến để khôi phục Vương triều Trần. Những tôn thất nhà Trần tham gia chính biến gồm: Cung Định Vương Trần Phủ, Cung Tuyên Vương Trần Kính, Thiên Ninh Công Chúa Ngọc Tha và Chương Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán hẹn hội quân ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để bàn mưu khởi sự.
Với thế "trong ứng ngoại hợp, nội công ngoại kích" cuộc chính biến đã thành công, bắt được Dương Nhật Lễ, các tôn thất đã tôn Cung Định Vương Trần Phủ lên ngôi Vua (tức Vua Trần Nghệ Tông). Với công trạng này, Chương Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyễn Đán được Vua Trần Nghệ Tông phong chức Đại Tư đồ.
Những năm sau này, Triều đình ngày càng suy vi, Vua ham chơi bỏ bê chính sự, quan lại tham nhũng và đặc biệt vua tin dùng ngoại thích Hồ Quý Ly. Nhờ vậy, Hồ Quý Ly ngày càng nắm giữ trọng trách cao trong triều đình, tự tung tự tác bức vua, hại trung thần nhằm phục vụ âm mưu đen tối. Trần Nguyên Đán đã nhìn thấy nguy cơ sụp đổ không thể nào tránh khỏi của triều Trần. Ông từng nhiều lần can ngăn nhà vua nhưng không được, vì thế, bèn lui về Côn Sơn ở ẩn.
Những năm cuối đời ở ẩn Từ đồ Trần Nguyên Đán có nhiều tâm trạng ưu tư lo cho vương triều, lo cho nhân dân, đất nước. Ông lập đàn tế sao Bắc Đẩu trên đỉnh núi Ngũ Nhạc để cầu quốc thái dân an, vương triều trường tồn bền vững.
Clip Đền thờ Đại tư đồ Trần Nguyên Đán ở Côn Sơn. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Tuy nhiên, thế sự triều chính đã dần vượt khỏi tầm kiểm soát của các Vua Trần cùng tôn thất hoàng tộc, Tư đồ Trần Nguyên Đán cũng bất lực trước chính sự ngả nghiêng. Bởi lúc này, quyền lực đã nằm trong tay Hồ Quý Ly. Tâm trạng chán nản nên khi ốm đau, ông không thiết gì chữa bệnh. Năm 1390, Tư đồ Trần Nguyên Đán mất. 10 năm sau, tức năm 1400 triều Trần sụp đổ, khi Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế nhường ngôi cho ông ta. Hồ Quý Ly lên làm vua, lập ra triều Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu, kết thúc Vương triều Trần tồn tại 175 năm với 13 vị Vua trị vì.