Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà

Văn Long Thứ hai, ngày 08/05/2023 10:35 AM (GMT+7)
Dù là nghề truyền thống của cha ông với rất nhiều dấu ấn văn hóa độc lạ nhưng các bạn trẻ không muốn theo học do thu nhập không ổn định, dù chính quyền huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho nhưng nỗi lo mai một vẫn luôn thường trực.
Bình luận 0

"Ngày xưa không học là bị mắng"

"Thời bây giờ chúng nó không chịu học nghề dệt truyền thống đâu, 2 đứa con gái của tôi đã biết làm hết nhưng chúng không chịu làm, giờ chỉ toàn đi làm công ty thôi. Các dịp lễ, Tết, đám cưới chúng cũng chẳng mặc đồ thổ cẩm mà toàn mặc đầm, váy ngắn thôi. Nói thì chúng bảo bây giờ khác rồi, không mặc đồ như ngày xưa nữa. Hiếm lắm những ngày đi lễ ở nhà thờ thì bọn trẻ mới mặc đồ thổ cẩm", đó là lời tâm sự của bà Long Dinh K’Yồng (55 tuổi, thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).

Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà- Ảnh 1.

Bà Long Dinh K’Yồng bên một tấm vải thổ cẩm do chính tay mình dệt trong thời gian rảnh rỗi. Ảnh: Văn Long.

Bà Long Dinh K’Yồng cho biết, bà học nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ bà dì của mình là bà Long Dinh K’Nier (95 tuổi). Thời điểm bà bắt đầu học mới chỉ 17 hoặc 18 tuổi. Ban ngày đi làm, đêm về khi mọi việc nhà đã xong là phải học dệt, không học là bị bà dì mắng. Chính vì thế mà giờ bà K’Yồng đã thạo nghề.

Clip: Những người nghề nhân trong thôn Đam Pao sợ nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho bị mai một. 

"Thời buổi bây giờ đã khác, mình mắng các con thì cũng thấy tội, chúng còn nói "sau này có việc gì cần thì mua ùi của người khác làm, không cần phải dệt nữa, đi làm ở ngoài". Giờ thì tôi cũng chỉ dệt thổ cẩm bằng sợi len, không làm được thổ cẩm truyền thống vì mất nhiều công đoạn, giá bán lại cao quá nên người ta không mua. Vì vậy, để duy trì, phát huy được nghề dệt truyền thống của người K’Ho tôi thấy khó khăn lắm. Huyện Lâm Hà cũng có mở lớp dạy cho người trẻ nhưng học xong chúng lại không làm nghề dệt mà đi làm ngoài", bà K’Yồng tâm sự.

Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà- Ảnh 2.

Bà Long Dinh K’Thin cạnh những sợi chỉ chuẩn bị được đưa vào nhuộm để dệt vải thổ cẩm của dân tộc mình. Ảnh: Văn Long.

Trong khi đó, bà Long Dinh K’Thin (71 tuổi) lại cho biết: "Hiện, tôi đang tiếp tục truyền lại nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho cho con gái. Tôi rất lo lắng khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho đang dần bị mai một. Phần khó nhất là nhuộm màu cho sợi chỉ thì con gái tôi chưa biết, còn các công đoạn khác như kéo chỉ, dệt... thì nó đã biết hết".

Dù cái lưng đã không còn thẳng, tóc đã bạc phơ nhưng bà Long Dinh K’Nier vẫn hàng ngày giúp các con kéo chỉ để dệt vải thổ cẩm. Bà Long Dinh K’r cho hay, những người biết làm đầy đủ quy trình để cho ra tấm vải thổ cẩm tại địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, những người nghệ nhân, người lớn tuổi như bà hiện nay đang rất lo nghề truyền thống của ông cha bị mai một, thất truyền.

Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà- Ảnh 3.

Bà Long Dinh K’Thin vẫn thường xuyên theo dõi, học hỏi mẹ của mình để giữ nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho. Ảnh: Văn Long.

Hướng đi nào cho nghề dệt thổ cẩm?

Rời những ngôi nhà gỗ trong thôn Đam Pao, phóng viên tiếp tục trao đổi với bà Chế Phương Nam – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Hà về những định hướng của chính quyền địa phương cho làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao.

Bà Chế Phương Nam cho biết: "Trước đây bà con dân tộc thiểu số K'Ho thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên để dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, nguyên liệu tự nhiên hiện rất khó làm và người dân ít mặc đồ truyền thống trong cuộc sống hàng ngày, do đó nghề dệt thổ cẩm tại địa phương đang bị mai một.

Để duy trì, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thì trong đề án phát triển du lịch huyện Lâm Hà chúng tôi chọn Đam Pao là điểm đến trong tour du lịch cộng đồng. Tại điểm này, chúng tôi sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, những sản phẩm từ dệt thổ cẩm, từ đó tạo đầu ra cho nghề dệt thổ cẩm, quảng bá nghề này đến với du khách. 

Bên cạnh đó, chúng tôi kết nối với các nhà thiết kế để thiết kế các bộ trang phục kết hợp với thổ cẩm. Trang phục này sẽ được các thanh niên, người đồng bào sử dụng trong các dịp lễ hội, ngày cưới, ngày trọng đại của người dân tộc họ. Đó là điều kiện để quảng bá hiệu quả nhất cho sản phẩm thổ cẩm đến với du khách và tạo điều kiện cho nghề dệt thổ cẩm phát triển hơn nữa"

Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà- Ảnh 4.

Theo bà Chế Phương Nam, nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho tại địa phương đang bị mai một. Ảnh: Văn Long.

Bà Chế Phương Nam cũng cho hay, làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao là nghề truyền thống của người dân tộc bản địa Tây Nguyên. Nó khẳng định nét riêng mà chỉ có người đồng bào dân tộc K'Ho có. Ngoài lưu giữ nghề truyền thống thì còn tạo thêm thu nhập cho bà con trong những lúc nhàn rỗi.

Ông Nguyễn Huy Tùng, chuyên viên phòng NNPTNT huyện Lâm Hà cho hay, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn được công nhận năm 2011, có 168 lao động/125 hộ. Hiện, 168 người này có 12 nghệ nhân cấp tỉnh được công nhận nhưng chỉ có gần 40 lao động thường xuyên. Làng nghề này hoạt động tương đối cầm chừng, sản phẩm làm ra chưa được nhiều, công nghệ còn thô sơ, sản phẩm còn nghèo nàn về mẫu mã. Điều này làm cho giá trị sản xuất chưa cao, thu nhập bình quân/lao động/tháng mới chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng.

Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho (Bài 3): Mỗi tháng kiếm 3 triệu đồng, người trẻ chẳng ai mặn mà- Ảnh 5.

Những sợi chỉ màu khác nhau đã được nhuộm màu tự nhiên, chuẩn bị dệt thành vải thổ cẩm. Ảnh: Văn Long.

"Hiện, huyện Lâm Hà đã và đang khảo sát, nghiên cứu, lập kế hoạch để hỗ trợ đầu tư vào việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển nghề, làng nghề giai đoạn từ năm 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là duy trì hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các làng nghề đã được công nhận nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. 

Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề không chỉ đơn thuần là tạo thêm nhiều việc làm cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cư dân bản địa, tránh nguy cơ bị mai một và thất truyền", ông Nguyễn Huy Tùng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem