"Đại lão" Bồ Đề từ thời nhà Lý đã hơn 900 năm tuổi, có hình dáng bàn tay xòe 5 ngón ở Nam Định
"Đại lão" Bồ Đề từ thời nhà Lý đã hơn 900 năm tuổi, có hình dáng bàn tay xòe 5 ngón ở Nam Định
Mai Chiến
Thứ ba, ngày 09/05/2023 05:56 AM (GMT+7)
Với tuổi đời hơn 900 năm, cây Bồ Đề tọa lạc tại thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Toàn cảnh cây Bồ Đề hơn 900 năm tọa lạc tại thôn Dịch Diệp (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Video: Mai Chiến.
Đi xuôi theo đường Tỉnh lộ ĐT487 từ thị trấn Cổ Lễ về xã Trực Chính, đến đầu làng thôn Dịch Diệp, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy Bồ Đề "đại lão" sừng sững trước cổng chùa Dịch Diệp. Cái tên Bồ Đề "đại lão" là cách gọi dân dã của người dân nơi đây khi nhắc đến cây Bồ Đề.
Bồ Đề "đại lão" có từ thời nhà Lý, tính đến nay đã hơn 900 năm. Cây có chu vi gốc 9m, độ cao khoảng 20m, tán rộng và có hình dáng như bàn tay xòe 5 ngón, hơi nghiêng mình về phía hồ nước.
Bồ Đề “đại lão” có tuổi đời trên 900 năm. Ảnh: Mai Chiến.
Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp (xã Trực Chính) kể: Theo lịch sử của làng để lại, vào năm 1112 thời Lý Nhân Tông, vị Thành hoàng làng thứ 3 là Nguyễn Công Phạm dâng biểu từ quan, được vua chuẩn y.
Ngài về làng tu tại đền Dịch Diệp, cùng dân làng tu bổ lại đền, đúc chuông, làm tượng, tôn tạo hoàn chỉnh khuôn viên. Sau đó, trồng cây tạo cảnh, trong đó có trồng cây Bồ Đề; trong khuôn viên đền còn dựng ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Bà Làng.
"Trải qua thời gian dài, đến năm 1962, cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp tới các địa phương trong tỉnh, gây mưa to, gió lớn đã làm gãy 1 cành chính cao lớn nhất của cây Bồ Đề. Rất may cây Bồ Đề chỉ bị nghiêng, sau này phát triển thêm 5 cành nên mới có dáng như bàn tay xòe 5 ngón, phô vẻ đẹp lạ lùng", ông Hội chia sẻ.
Cây Bồ Đề được trồng trước cổng chùa Dịch Diệp. Ảnh: Mai Chiến.
Theo ông Hội, mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, thế nhưng hiện nay Bồ Đề "đại lão" vẫn đứng hiên ngang, mạnh mẽ theo thời gian; vẫn xanh tươi, cành lá sum suê, nhiều tán trồng lên nhau, phát triển rộng lớn, điều đó càng chứng tỏ cụ cây có từ rất lâu rồi.
Xung quanh thân cây mọc ra những chiếc rễ to khoảng 40cm, tựa như các xúc tua của con bạch tuộc khổng lồ. Mỗi nhành cây mỗi vẻ; từng nhánh cây, kẽ lá liên kết liền nhau tạo thế vững chắc như để hứng hết phong ba bão táp, ra sức che chở, bảo vệ cho dân làng.
Cuộc đời Bồ Đề "đại lão" đã gắn liền với bao thế hệ trong làng, lớn lên và phát triển theo năm tháng; cứ thế hệ trước kể cho thế hệ sau về cuộc đời của "cụ" cây, hình ảnh đó đã ăn sâu vào người dân nơi dây.
Vào những buổi trưa hè, người dân thường ra ngồi dưới gốc cây Bồ Đề hóng mát, kể lại chuyện ngày xưa cho nhau nghe. Hình ảnh cây Bồ Đề cổ thụ đã trở nên quá quen thuộc với người dân làng Dịch Diệp.
Xung quanh thân cây Bồ Đề mọc ra những chiếc rễ to khoảng 40cm. Ảnh: Mai Chiến.
"Các vị cao niên trong làng đều cho rằng cây Bồ Đề là biểu tượng của sự trường thọ, mang tính kiên trì, nhẫn nại và đầy đặn của người dân Dịch Diệp, bởi mọi người coi Bồ Đề "đại lão" như một vị "Đại lão tiên nhân", Trưởng thôn Dịch Diệp tâm sự.
Ông Hội cho biết thêm, tháng 4/2021, cây Bồ Đề hơn 900 tuổi đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là niềm vui lớn của làng Dịch Diệp nói riêng và xã Trực Chính nói chung.
Hiện tại, cây Bồ Đề phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Lá cây có hình trái tim, phần chóp kéo dài đặc biệt, quả có màu xanh lục, đen tía. Nhìn từ xa, cả tán cây Bồ Đề tựa như mâm xôi.
"Cán bộ và nhân dân làng Dịch Diệp thường xuyên chăm sóc và bảo vệ cây Bồ Đề để cây phát triển trường tồn mãi mãi về sau", ông Hội bộc bạch.
Trao đổi với Phóng viên Báo Dân Việt, ông Mai Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết, tính đến nay, cây Bồ Đề đã có tuổi đời trên 900 năm. Năm 2021, cây Bồ Đề được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.
"Với tuổi đời trên 900 năm, cây Bồ Đề đánh dấu lịch sử của những vị Thành hoàng làng thôn Dịch Diệp về đây sinh sống. Qua đó, giúp người dân địa phương nhớ về nguồn gốc, nhớ về lịch sử của làng mình…", ông Trường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.