Hiện, ông Em Ngô Văn Em (xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có 3 ao ương cá giống với gần 1ha mặt nước. Trong đó, 1 ao ương cá tra giống và 2 ao ương cá trê giống.
Hôm chúng tôi đến thăm mô hình ương cá giống của ông Em, cũng là lúc giá cá tra giống đang làm mưa, làm gió ở ĐBSCL. Giá cá tra giống được thương lái thu mua tại ao 40.000 – 45.000 đồng/kg. Đây là đợt giá cá tra tăng cao ngút trong mấy năm gần đây do cá tra thương phẩm xuất khẩu hút hàng.
Vốc một nắm nước từ ống cấp nước vào ao ương cá tra giống đang chuẩn bị kéo bán, ông Em xăm xoi rồi bộc bạch: "Ương cá tra giống phải cần… nhất nước".
Theo ông Em, nếu ao và nước nuôi được xử lý tốt thì sau này khi thu hoạch cá giống mới đạt đầu con. Bên cạnh giá cả, đầu con đạt là yếu tố quyết định thắng thua của vụ ương cá tra giống.
"Ngày mới vào nghề ương cá giống, tôi thất bại liên tục. Sau này mới biết, do không xử lý nước tốt nên con giống chết trắng ao", ông Em thổ lộ.
Ông Em chia sẻ, xử lý ao tốt là khi đào ao xong phải bón vôi đáy và phơi đáy ao 3 – 4 ngày. Cẩn thận hơn, ông dùng bạt nilông phủ quanh bờ ao để hạn chế dịch bệnh cho cá.
Nước cấp được ông xử lý, diệt khuẩn trước khi cấp vào ao. Nước ương cá tra giống phải đảm bảo độ Ph ổn định, kim loại nặng, phèn… để giảm được chi phí xử lý đầu vào.
Với cá tra bột, ông chọn mua từ các cơ sở có uy tín. Chọn cá bột khỏe mạnh bằng cảm quan, như cá bột bơi nhanh nhẹn, màu sắc sáng, không bị dị hình… Mật độ thả cá bột khoảng 400 bột/m2. Nên thả cá bột tốt nhất vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Với việc cho cá ăn, ông Em chia sẻ, thời gian đầu ương, chỉ cho cá bột ăn trứng nước. Đồng thời, cho cá bột ăn thêm thức ăn tự chế như dùng hỗn hợp lòng đỏ trứng gà, bột đậu nành xay nhuyễn, nấu chín và rải đều khắp ao. Mỗi ngày cho cá ăn 4 – 5 lần.
Sau 5 – 7 ngày, cho cá ăn bột đậm đặc. Khoảng 1 tuần sau cho cá ăn thức ăn viên nhỏ. 25 ngày sau, cho cá ăn loại thức ăn viên khoảng 1ml. Đến gần xuất bán, cho cá ăn thức ăn viên 1,5 – 2ml. Khi cho cá ăn thức ăn công nghiệp tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước nuôi.
Ông Em cho biết, trong quá trình ương, cá tra giống có thể mắc bệnh xuất huyết ruột và hậu môn, cá giống nhiễm ký nội sinh trùng, bệnh gan thận mủ do môi trường ao nuôi xấu, có mầm bệnh trong ao nuôi. Cần hạn chế mở cống vào mùa dịch, giữ ao luôn đảm bảo môi trường tốt và định kỳ bổ sung cân bằng dinh dưỡng cho cá giống…
"Thực tế, ương cá tra giống không dễ. Rất nhiều nông dân thất bại do không đạt đầu con. Có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng trong quá trình ương cá tra giống. Còn ương cá trê giống thì quá dễ", ông Em nhận định.
Theo ông Em, lâu nay ông gắn bó với nghề ương cá giống bởi ưu điểm của nghề này là quay vòng đồng vốn nhanh, 1,5 - 2 tháng xuất bán/lần, chi phí đầu tư thấp…
Hiện, mỗi năm, ông Em ương 4 vụ cá tra giống và 7 vụ cá trê giống. Trong đó, mỗi vụ ương cá tra giống 50 - 60 ngày và cá trê giống 40 – 45 ngày/vụ. Mỗi vụ ương cá giống cho ông Em 20.000 – 25.000 con cá giống.
"Trừ chi phí, tôi thu lời hơn 400 triệu đồng/năm", ông Ngô Văn Em thổ lộ.
Theo Hội Nông dân xã Mỹ Hạnh Đông (TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), mô hình ương cá giống của ông Em đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc ương cá giống giúp gia đình ông Em từ khó khăn đi lên giàu có.
Không những thế, ông Em còn hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, khó khăn phát triển kinh tế, như chia sẻ kinh nghiệm, gầy dựng mô hình ương cá giống… Nhiều năm ông Em là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Tiền Giang.