"Gắn sao" OCOP, nông sản Việt vươn ra thế giới
Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Tuấn vui mừng cho biết, chương trình OCOP đã giúp nâng tầm nông sản, sản phẩm ở nông thôn.
Nếu như trước đây, một số sản phẩm đặc hữu của Hòa Bình như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong, quýt Nam Sơn, cá sông Đà… chỉ nổi tiếng ở trong địa bàn tỉnh thì sau khi tham gia chương trình OCOP, "tiếng tăm" của các sản phẩm đã vươn ra cả nước, được nhiều người biết đến, thậm chí bắt đầu xâm nhập vào thị trường quốc tế.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng thành công từ trái bưởi Diễn Yên Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc và cam Cao Phong khi các sản phẩm này đã được tỉnh Hòa Bình xuất khẩu sang các thị trường có tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe như Anh, Đức...
Nối tiếp những thành công của trái bưởi, cam, theo ông Tuấn, hiện nay, tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những đơn hàng xuất khẩu một số sản phẩm đặc hữu đã qua chế biến với khối lượng rất lớn vào Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hòa Bình có thị trường tiêu thụ rất lớn, đơn cử như hành tăm (sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2021). Nếu như trước đây bà con chỉ trồng nhỏ lẻ vài ha nhưng từ khi "gắn sao" OCOP diện tích trồng hành tăm đã tăng lên 70 ha. "Trước Tết một tháng sản phẩm hành tăm của tỉnh Hòa Bình còn không đủ bán ra thị trường", ông Tuấn chia sẻ.
"Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng tầm sản phẩm mà sẽ thúc đẩy các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn...Và đây là yếu tố cốt lõi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần vào phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững", ông Tuấn khẳng định.
Với những kết quả trên, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 99 sản phẩm OCOP 3 sao và 24 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, Hòa Bình cũng đang nâng cao chất lượng, phát triển 2 sản phẩm đặc hữu là bưởi đỏ Tân Lạc và cam Cao Phong, có khối lượng xuất khẩu lớn vào các thị trường Anh, Đức, để từ đó, có cơ sở để được cấp sản phẩm OCOP 5 sao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình, ông Tuấn cho biết, khi đánh giá sản phẩm OCOP thì các cơ quan chuyên môn đều thực hiện qua 3 bước. (Bước 1) nghiên cứu hồ sơ; (Bước 2) chấm trên thực địa; (Bước 3) tổ chức hội đồng đánh giá.
Sau khi đánh giá, trong quá trình thực hiện sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra chất lượng, đánh giá lại các sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên khi đưa ra thị trường tiêu thụ, ngoài thành lập đoàn của Sở NNPTNT kiểm tra, đánh giá còn có sự phối hợp của cơ quan quản lý thị trường để từ đó có thể đánh giá chính xác về chất lượng, cũng như không để tình trạng "bỏ rơi sản phẩm" sau khi được công nhận OCOP.
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, hiệu quả, ông Tuấn cho rằng, với quy mô xuất khẩu thì phải đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP là doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, trong 103 chủ thể của Hòa Bình thì chỉ có 19 doanh nghiệp, chủ yếu là HTX, tổ hợp tác.
Theo ông Tuấn, với HTX, tổ hợp tác, năng lực tài chính, quản trị chắc chắn sẽ yếu. Nếu muốn mở rộng thị trường Nhà nước phải xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Cũng chia sẻ về kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP của tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đang phát triển Chương trình OCOP theo cách hướng đến phục vụ khách du lịch đến với Ninh Bình với hình thức sử dụng, mua làm quà biếu, quà tặng.
Hiện nay, Ninh Binh đang có 101 sản phẩm OCOP. Sau khi các sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh sẽ thường xuyên có các đoàn kiểm tra, đánh giá lại các sản phẩm. Và đến nay chưa có sản phẩm nào phải thu hồi.
"Giảm áp lực cho cấp tỉnh, thành phố"
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện nay, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP (trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao) của 4.479 chủ thể OCOP (trong đó có 38,1% là HTX, 25,7% là doanh nghiệp, 33,4% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác) được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương khẳng định, "Chương trình OCOP đang mang lại hiệu quả rất tốt", tuy nhiên, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng OCOP giai đoạn 2018-2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Chính bởi vậy, Bộ NNPTNT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019.
Tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023, ngoài bổ sung nhóm sản phẩm, cấu trúc tiêu chí chấm điểm, hồ sơ đăng ký, đánh giá...thì điểm mới về phân cấp cho UBND huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao được lãnh đạo một số Văn phòng Nông thôn mới ở địa phương cho rằng đã "giảm tải được áp lực cho cấp tỉnh, thành phố".
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, mỗi năm thành phố đăng ký trên 400 sản phẩm OCOP, chưa kể các sản phẩm phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá lại. "Ngoài đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi cũng phải chấm, đánh giá xây dựng nông thôn mới ở các xã, huyện nên công việc rất nhiều, việc phân cấp cho cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP cho các huyện tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 đã giảm tải cho chúng tôi 50% công việc", ông Chí chia sẻ.