Sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của Bắc Giang được chứng nhận 3 sao

Khương Lực Thứ sáu, ngày 03/03/2023 09:51 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Bắc Giang vừa công bố và trao giấy chứng nhận 99 sản phẩm đạt OCOP trong năm 2022, trong đó sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường (huyện Yên Thế) được công nhận OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được gắn sao.
Bình luận 0

Ngày 2/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại hội nghị, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công bố, trao giấy công nhận 99 sản phẩm đạt OCOP năm 2022.

Đặc biệt, trong đó có sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường tại bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế.

CLIP: UBND tỉnh Bắc Giang công bố và trao giấy công nhận 99 sản phẩm đạt OCOP năm 2022

Sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven ở Bắc Giang lần đầu được công nhận OCOP 3 sao - Ảnh 2.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 205 sản phẩm OCOP được phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: Khương Lực.

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang có hơn 100 sản phẩm được đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Qua đánh giá, phân hạng có 99 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm. Trong đó, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, tăng 73 sản phẩm so với năm 2021, vượt hơn 2 lần so với kế hoạch giao năm 2022.

Trong năm, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng, công nhận OCOP 3 sao đối với sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường và trở thành sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được gắn sao.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lý Thị Hợi - Giám dốc Hợp tác xã Thân Trường cho biết: "Từ vùng nguyên liệu chè xanh Bản Ven cùng sự quan tâm định hướng, động viên của các cấp, các ngành, Hợp tác xã Thân Trường đã mạnh dạn cùng với các hộ dân tham gia xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, với mục tiêu "sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm văn hóa hướng tới sản phẩm du lịch" tại điểm du lịch cộng đồng Bản Ven".

Theo chị Hợi, với đặc trưng của vùng đất Xuân Lung xưa, Bản Ven có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, Hợp tác xã đã vận động và hỗ trợ kinh phí cho các nhóm hộ nơi đây khôi phục những nét văn hóa văn nghệ truyền thống về trang phục, sát sình ca, múa sạp...

Cùng với đó, Hợp tác xã Thân Trường đã phục dựng lại các nếp nhà sàn mang kiến trúc đặc trưng; giữ gìn và phát triển các món ăn ẩm thực đặc sản núi rừng với cách chế biến mang hương vị đặc trưng bản địa và đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách thập phương.

Sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven ở Bắc Giang lần đầu được công nhận OCOP 3 sao - Ảnh 2.

Vườn chè ở Bản Ven,  xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực

Trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đạt 5 sao cấp quốc gia.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để cho người dân thi đua, tỉnh Bắc Giang xây dựng cơ chế thưởng cho các sản phẩm OCOP. "Hiện nay, các sản phẩm 3 sao được thưởng 100 triệu đồng, còn các sản phẩm khác thì thấp hơn để làm động lực, giúp cho các chủ thể vừa xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP lợi thế của mình, nhưng cũng là động lực để thực hiện Chương trình này" - ông Thành chia sẻ.

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; phấn đấu xây dựng và phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều đóng hộp của Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu).

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang  cho biết, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Tỉnh Bắc Giang khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem