Mặc dù các nhà đầu tư và người sáng lập công ty được chính phủ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức phía trước.
Jim Kapsis, cựu cố vấn của Bộ Tài chính, người sáng lập Ad Hoc Group chuyên tư vấn cho hàng chục công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu cho biết: “Chúng ta cần lắng lại và suy ngẫm xem môi trường vĩ mô (bao gồm: lạm phát, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chi tiêu của người tiêu dùng, GDP và tỷ lệ thất nghiệp) sẽ thay đổi như thế nào”.
Ông cho biết, khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) bị phá sản, các nhà đầu tư và người sáng lập công ty năng lượng sạch gặp khó khăn trong việc gọi vốn. Họ cảm thấy như mất đi mục tiêu và ý nghĩa của công việc. Họ cũng lo sợ rằng công ty của họ sẽ không thể “trụ nổi" thêm nữa.
Leah Ellis, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp tập trung vào sản xuất xi măng khử cacbon cho biết: “SVB là ngân hàng đầu tư cho các công ty khởi nghiệp năng lượng sạch và rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã gửi tiền ở đó”. Ông chia sẻ, ngân hàng đã tài trợ tổ chức sự kiện cho các công ty và là một mảnh ghép không thể thiếu trong cộng đồng công nghệ sạch. Khi ngân hàng sụp đổ đã vô hình trung tạo một khoảng trống cần được lấp đầy.
Trên thực tế, SVB đã giúp nhiều dự án năng lượng mặt trời cộng đồng khởi sắc bằng cách cho vay tiền mà phần lớn các ngân hàng lớn thường do dự. Ngân hàng tự hào đã góp phần vào 62% các dự án liên quan ở Mỹ.
Nhưng SVB phá sản đã tạo một cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư công nghệ sạch. Họ hy vọng Đạo luật giảm lạm phát sắp tới của Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề của ngân hàng và giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào thị trường công nghệ sạch. Một số người cho rằng đây chỉ là khó khăn nhất thời trong bối cảnh nhu cầu giải quyết biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Tuy nhiên các công ty cho biết họ cảm thấy lo lắng cho tương lai sắp tới. Họ không biết chính phủ liên bang có thể giải quyết giúp họ không khi tiền vốn các công ty gửi vào ngân hàng đã bị đóng băng. Sachse, CEO của công ty khởi nghiệp về lắp đặt máy bơm địa nhiệt cho biết: “Tôi nghĩ công ty của tôi chỉ có thể trụ được trong vòng 1 tháng”.
Ông cho biết công ty đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên. Công ty ông đã rất hoảng loạn và tin tức này đã nhanh chóng đến tai Hội đồng quản trị của các công ty đầu tư. Một số đối tác của công ty ông vẫn đang tiếp tục đầu tư mạo hiểm vào công nghệ năng lượng sạch dù họ cũng đang “mắc kẹt” với với SVB. Vị CEO cho biết, “nếu danh mục đầu tư của công ty tôi bị huỷ bỏ, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn. Tất cả sẽ khiến các công ty đầu tư mạo hiểm e ngại chi tiền trong tương lai”.
Họ phải đếm từng ngày công ty của mình còn hoạt động được và tìm kiếm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.
CEO của công ty khởi nghiệp ConnectDER chuyên đo lường việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các khu dân cư, cho biết ông đã bật khóc dưới mưa gần 1 tiếng đồng hồ khi biết tin chính phủ liên bang sẽ chi trả số tiền mà công ty đã gửi vào SVB.
Cụ thể công ty đã gửi 40 triệu đô la vào ngân hàng và số tiền này đã “bốc hơi” 2 ngày sau đó.
Shaun Abrahamson, một nhà đầu tư công nghệ khí hậu, nói rằng sự sụp đổ của SVB khiến nhiều công ty phải suy nghĩ lại về cách đầu tư. Shaun bày tỏ ông muốn tận dụng cơ hội từ sự kiện này.
“Chúng ta không nên quá bi quan”, Peter Davidson, người đứng đầu Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng trong chính quyền Obama và hiện là giám đốc điều hành của Align Climate Capital nói. “SVB đã giúp thế giới thấy rằng công nghệ chính là ‘chìa khóa’ đối với năng lượng sạch. Tuy nhiên, bên cạnh ngân hàng còn có nhiều nguồn tài trợ xanh cho các công ty hơn, và hầu như mọi ngân hàng thương mại đều có nhóm cho vay ‘xanh’ riêng”.
Điển hình là một số ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America đã nhanh chóng cung cấp các dịch vụ cho vay và thanh toán cho các công ty công nghệ.
Có thể nói, sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon là một cú sốc lớn cho ngành công nghệ và tài chính. Tuy nhiên, điều đó không dập tắt được hy vọng của các công ty công nghệ sạch. SVB có thể đã tan biến, nhưng niềm tin vào tiềm năng của công nghệ vẫn còn mãi.