Ngân hàng Silicon Valley vỡ nợ: Vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử thể chế tài chính Mỹ

Lê Phương (CNN) Thứ bảy, ngày 11/03/2023 10:32 AM (GMT+7)
Ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã ngừng hoạt động vào hôm 10/3, trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bình luận 0
Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ đột ngột khiến nhiều người lo lắng - Ảnh 1.

Ngân hàng SVB. Ảnh: Mercurynews

Ngân hàng Thung lũng Silicon - SVB là ngân hàng đi đầu trong thúc đẩy khởi nghiệp ở nước Mỹ. Tuy nhiên hôm 10/3, các cơ quan quản lý ở California đã quyết định đóng cửa SVB và đặt ngân hàng dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). FDIC sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả lại cho khách hàng của mình, bao gồm cả người gửi tiền và chủ nợ.

FDIC, một cơ quan độc lập của chính phủ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và giám sát các tổ chức tài chính, cho biết tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ được trả lại chậm nhất là vào sáng 13/3. FDIC cho biết họ sẽ trả cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản "cổ tức tạm ứng trong tuần tới".

Ngân hàng SVB, trước đây thuộc sở hữu của SVB Financial Group, không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

SVB bắt đầu sụp đổ vào ngày 8/3, khi ngân hàng thông báo sẽ bán tháo một loạt chứng khoán và phải huy động vốn 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán.

Động thái này đã khiến nhiều công ty đầu tư mạo hiểm lo lắng. Các công ty này được cho là đã khuyến cáo doanh nghiệp rút tiền khỏi ngân hàng SVB.

Đến sáng 10/3, cổ phiếu SVB bị tạm dừng giao dịch, và ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua. Cổ phiếu một số ngân hàng khác như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.

Giám đốc điều hành của Better Markets, Dennis M. Kelleher, viết: "Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng. Những người gửi tiền đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc sụp đổ là không thể tránh khỏi".

Sự sụp đổ của SVB một phần bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua.

Khi lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ vào các trái phiếu kho bạc dài hạn, dường như có rủi ro thấp. Nhưng khi FED tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của những tài sản đó đã giảm xuống, khiến các ngân hàng phải chịu những khoản lỗ.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody cho biết, lãi suất cao hơn làm giảm giá trị của cổ phiếu công nghệ và khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn. Điều đó đã khiến nhiều công ty công nghệ rút tiền gửi tại SVB.

Việc ngân hàng Silicon Valley đóng cửa biến đây trở thành vụ sụp đổ lớn nhất của một ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, và lớn thứ hai trong lịch sử, theo CNBC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem