Dân Việt

Ba Lan tuyên bố đặt HIMARS gần biên giới Nga

Lê Phương (RT) 18/03/2023 07:44 GMT+7
Hôm 17/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo các bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất sẽ được bố trí ở biên giới với vùng Kaliningrad cực tây của Nga.
 Ba Lan tuyên bố đặt HIMARS gần biên giới Nga - Ảnh 1.

Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS). Ảnh: Getty

Ông Blaszczak tiết lộ trong chuyến thăm khu vực rằng các bệ phóng tên lửa đa năng của Mỹ sẽ đóng quân cùng sư đoàn cơ giới số 16 của Ba Lan tại thành phố Olsztyn ở Đông Bắc nước này. Ông lưu ý thêm rằng Washington đã chấp thuận đơn đặt hàng của Warsaw nhằm cung cấp thêm 500 bệ phóng HIMARS, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những hệ thống này đối với quân đội Ba Lan. 

Việc Ba Lan triển khai vũ khí của Mỹ ở biên giới đã bị người phát ngôn chính quyền Kaliningrad, ông Dmitry Lyskov chỉ trích trong một bình luận với TASS. Ông nói thêm rằng "bất chấp bản chất tấn công rõ ràng của các bệ phóng HIMARS, người dân trong khu vực đang được các đơn vị của Hạm đội Baltic và quân đội Nga bảo vệ".

Hồi tháng 12/2022, Lầu Năm Góc đã thông qua các thỏa thuận vũ khí trị giá 28 tỷ USD với Ba Lan cùng một số quốc gia vùng Baltic. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cũng cho biết vào tháng 1/2023 rằng Vương quốc Anh đã lập mô hình tấn công mạng đặc biệt chống lại Kaliningrad. Moscow liên tục cảnh báo NATO không nên tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Nga và cáo buộc liên minh gần như trở thành một phần của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine do thường xuyên cung cấp vũ khí cho Kiev.

Vùng Kaliningrad là lãnh thổ cực tây của Nga và là trụ sở Hạm đội Baltic của Moscow. Khu vực này là một vùng đất tách biệt, không có chung biên giới đất liền với phần còn lại của Nga và thay vào đó giáp Ba Lan ở phía Tây và Litva ở phía Đông.

Hôm 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 4 máy bay chiến đấu MiG-29 trong những ngày tới. Theo ông Duda, những chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 này được sản xuất từ thời Liên Xô cũ và hiện vẫn hoạt động bình thường.

Ba Lan cũng cho biết, những chiếc MiG-29 còn lại đang được bảo dưỡng và chuẩn bị bàn giao. Lực lượng không quân Ba Lan sẽ bổ sung máy bay phản lực FA-50 do Hàn Quốc sản xuất và F-35 do Mỹ sản xuất vào đội hình của họ để thay thế cho các máy bay MiG-29 đã gửi đến Ukraine.

Ba Lan hiện có ít nhất 29 máy bay loại này. Quân đội Mỹ gần đây đã bắt đầu nghiên cứu khả năng lắp đặt tên lửa không đối không tầm trung trên MiG-29 của Ukraine.

Việc chuyển giao nói trên sẽ khiến Ba Lan trở thành thành viên NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu theo lời kêu gọi của chính quyền Kiev. Ngoài Ba Lan còn có Slovakia tuyên bố sẵn sàng cung cấp MiG-29 cho Ukraine. Hai nước này cũng kêu gọi các đồng minh cùng thực hiện.

Các nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết, họ chọn MiG-29 vì lực lượng không quân Ukraine đã quen thuộc với loại máy bay chiến đấu này, có thể lái chúng ngay lập tức mà không cần huấn luyện thêm.