Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ đề: “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” tổ chức sáng 21/3, TS.Nguyễn Thế Hinh đã chia sẻ khái quát một số mô hình KTTH trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam.
Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay có ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).
Theo ông Hinh, trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2000 đầu lợn/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas.
Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.
Các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng và người dân.
Thứ nhất, đối với mô hình máy tách phân, đa số các trang trại áp dụng sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi theo hướng tự phát quy mô nhỏ và vừa, không nắm rõ các thủ tục đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ.
Theo đó, TS. Hinh đề xuất tạo điều kiện đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ cho người dân quy mô nhỏ; hình thành, phát triển hệ thống thu gom, tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Thứ hai, đối với mô hình hệ thống tưới nước thải sau biogas, trong nhiều năm, người chăn nuôi phải tuân thủ Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) số 62 nên không thể sử dụng nước thải sau biogas trong tưới tiêu. Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành QCVN 01 về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Nhận thấy đây là cơ sở để nhân rộng các mô hình, TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để QCVN 01 đem lại giá trị thực tiễn cho người dân.
Thứ ba, đối với mô hình máy phát điện, hiện nay Chính phủ chưa cho phép nối điện biogas với lưới điện quốc gia nên điện khí sinh hoạt sản xuất ra không được tiêu thụ. Đa số các trang trại chăn nuôi chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 20-30% sản lượng điện biogas sinh ra nên hiệu quả kinh tế khá thấp.
TS. Nguyễn Thế Hinh đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện biogas, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển, sản xuất và thương mại hóa máy phát điện biogas nội địa.
Phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư
Theo TS. Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), phát triển chăn nuôi theo mô hình KTTH là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.
Hiện nay chúng ta đã có rất nhiều quy định, pháp luật, chính sách liên quan, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018,… Theo định hướng KTTH, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi KTTH trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn lợn đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.
TS. Võ Trọng Thành cho biết, “Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác dộng nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta xử lý vấn đề môi trường”.
Theo đó, một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng KTTH bao gồm: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; Phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; Kết nối được các mô hình KTTH trong chuỗi giá trị nông sản; Phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp...
Tại diễn đàn, TS. Võ Trọng Thành đã chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng KTTH đến năm 2030.
Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng KTTH.
Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi.
Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi.
Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.