Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Báo cáo với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: Toàn tỉnh hiện có 209 cơ sở Hội ở 10 đơn vị huyện, thành Hội. Tổng số chi Hội hiện nay trong toàn tỉnh sau sáp nhập là 2.017 chi hội (giảm 1.150 chi Hội) với tổng số hội viên là 307.052 hội viên, đạt 74% so với hộ nông thôn.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Nam Định đã lãnh đạo thực hiện tốt hoạt động công tác hội và phong trào nông dân 10 tháng đầu năm 2022. Đến nay, đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 12/12 chỉ tiêu Trung ương giao. Cụ thể, chi tiêu kết nạp hội viên mới đạt 110%, chỉ tiêu cán bộ chi hội, tổ hội được bồi dưỡng, tập huấn đạt 125%, chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đạt trên 141% chỉ tiêu Trung ương Hội giao…
Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố. Các cấp Hội đã tập trung rà soát, nâng cao chất lượng hội viên. Đội ngũ cán bộ chi Hội được kiện toàn kịp thời sau sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả với với mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ vay vốn và các loại hình câu lạc bộ nông dân.
Các cấp Hội có nhiều việc làm thiết thực trong tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, nhất là tham gia các tiêu chí về bảo vệ môi trường và xây dựng các mô hình kinh tế tại địa phương. Đến nay, 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoạt động này đã góp phần vào thành quả chung về xây dựng nông thôm mới của tỉnh Nam Định. Đến nay, toàn tỉnh Nam Định có 182/204 (đạt 89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
"Một trong những kết quả tích cực trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nam Định là đã tổ chức vận động tăng trưởng Quỹ HTND tỉnh năm 2022. Sau một tháng phát động (từ ngày 1/9 - 30/9/2022), toàn tỉnh đã vận động ủng hỗ Quỹ HTND tỉnh với số tiền trên 3,2 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, có 10/10 huyện, thành Hội có Quỹ HTND. Tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh là 33 tỷ 685 triệu đồng cho 1.365 hộ vay, tăng so với năm 2021 là 4,258 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Hội Nông dân tỉnh tăng trưởng Quỹ HTND vượt chỉ tiêu giao" - ông Mạnh thông tin.
Cùng với tăng trưởng tốt nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định còn chủ động tín chấp với Ngân hàng NNPTNT, nhận uỷ thác với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên vay vốn. Tính đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng NNPTNT là trên 11.480 tỷ đồng cho 37.587 hộ vay thông qua 2.489 tổ vay vốn; dư nợ từ Ngân hàng CSXH là trên 1.419 tỷ đồng cho trên 37.000 hộ vay thông qua 1.140 Tổ TKVV.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định đã tích cực xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Hội viên, nông dân trong tỉnh Nam Định đã tham gia xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với 268 mô hình "Cánh đồng lớn" với tổng diện tích trên 11.000ha cho hiệu quả kinh tế cao; tham gia hình thành trên 30 mô hình trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định đã thành lập mới 17 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã nâng tổng số mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã toàn tỉnh lên 167 mô hình, với trên 3.000 thành viên tham gia.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số nông nghiệp, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ công tác Hội như: Những vấn đề trong công tác kiểm tra, giám sát; kết nạp mới hội viên, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028; việc mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; công tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân của tỉnh Nam Định trong thời gian qua. "Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân ở Nam Định ngày càng rõ nét với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân. 12/12 chỉ tiêu Trung ương Hội giao, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đều hoàn thành và hoàn thành vượt, rất phấn khởi"- đồng chí Bùi Thị Thơm nói.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đề nghị Hội Nông dân tỉnh Nam Định chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, tập trung cao cho Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028; quan tâm xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp.
"Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Các cấp Hội Nông dân cần khai thác nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân nâng cao chất lượng, giá trị nông sản" - đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Thị Thơm đề nghị, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp. Đồng thời, Hội cần chú trọng làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, tham mưu tổ chức tốt hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân cần mạnh dạn tham mưu với cấp uỷ, chính quyền có những cơ chế, chính sách để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích, cũng như chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.