Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Trần Đình Thế
Thứ sáu, ngày 06/01/2023 12:29 PM (GMT+7)
Tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Công ty CP Phân bón Bình Điền và Viện Nghiên cứu Ngô vừa ký Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình “Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu gần 10 triệu tấn ngô, chi phí hơn 2 tỷ USD. Lý do năng suất trồng ngô của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác. Ngô trồng tại Việt Nam năng suất chỉ đạt 4,8 tấn/ha, trong khi các nước sử dụng giống ngô chuyển gen năng suất đến 9, 10- 11 tấn/ha.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: "Việt Nam tiếp tục trồng ngô sinh khối, tập trung chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp để chuyển làm thức ăn cho đại gia súc, từ đó tiết kiệm được nguồn ngoại tệ nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi".
Rõ ràng việc tập trung phát triển, nhất là nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng làm thức ăn chăn nuôi là rất quan trọng, nếu không nói là cấp bách, bởi có những quý số ngoại tệ nhập khẩu ngô của Việt Nam ngang bằng với giá trị xuất khẩu gạo.
Bình Điền và Viện Nghiên cứu Ngô ký Bản ghi nhớ "Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn"
Sau khi nghiên cứu kỹ điều kiện và khả năng thực hiện, ngày 29 tháng 12 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Phân bón Bình Điền và Viện Nghiên cứu Ngô đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình "Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn".
Quy trình được xây dựng và hoàn thiện, có khả năng áp dụng hiệu quả và nhân rộng tại các vùng sinh thái, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn là mục tiêu chính của chương trình. Hai mô hình sản xuất ngô sinh khối cho 2 vụ liên tiếp được chọn, tổng cộng 8 hecta tại 2 vùng sinh thái là Sơn La (Tây Bắc) và Đắk Lắk (Tây Nguyên).
Giống ngô được sử dụng là giống ngô phổ biến và ưu việt nhất hiện nay do Viện nghiên cứu Ngô đề xuất. Phân bón được sử dụng 100% của Công ty CP Phân bón Bình Điền, sẽ tăng cường nguồn phân bón hữu cơ cho đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, đóng góp vào thực hiện hiệu quả chủ trương chính sách của Nhà nước về: Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; Về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ.
Viện Nghiên cứu Ngô chịu trách nhiệm thử nghiệm hiệu quả giống ngô sinh khối được sản xuất trong chương trình, bao gồm đánh giá chất lượng dinh dưỡng của sinh khối, tăng trưởng của vật nuôi/ hoặc năng suất và chất lượng sữa làm cơ sở cải thiện chuỗi giá trị canh tác ngô sinh khối. Chủ trì nghiên cứu sử dụng phân hữu cơ do gia súc sử dụng ngô sinh khối thải ra để đầu tư trở lại cho ngô; tính toán chu kỳ tuần hoàn chất hữu cơ và dinh dưỡng của mô hình, tạo cơ sở hình thành phương thức sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện quy trình, đủ điều kiện trình cơ quan quản lý công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.
Công ty Bình Điền đầu tư kinh phí xây dựng mô hình; đào tạo, tập huấn, hội thảo phục vụ hoàn thiện Quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tập huấn cho nông dân và thực hiện các hoạt động truyền thông.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cho biết, quan điểm dẫn tới việc ký kết hợp tác với Bình Điền từ 2 mảng: Giống triển vọng của Viện và bộ sản phẩm phân bón chuyên dùng của Bình Điền. "Mỗi giống mới đưa ra cần được đánh giá kết quả cụ thể từ thực tiễn trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, trên nền chăm sóc, nhất là phân bón. Viện Ngô đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nay do có quen biết, nhất là thấy được khả năng và trách nhiệm của Bình Điền nên quyết định cùng Bình Điền thực hiện chương trình"- Ông Thắng chia sẻ.
Ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói: "Viện Ngô là Viện nghiên cứu sâu về cây ngô, lại có cả bộ môn thức ăn chăn nuôi, trong khi theo đuổi hướng sản xuất phân bón chuyên dùng nên Bình Điền mong muốn tận dụng thế mạnh của viện chuyên ngành để phát triển, hoàn thiện bộ sản phẩm phân bón cho cây ngô nói chung, cây ngô sinh khối nói riêng; góp phần gia tăng chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm gánh nặng nhập khẩu cho Nhà nước".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.