Dân Việt

Từ vụ phóng viên Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình: Hành vi manh động, cần chế tài mạnh hơn để xử lý

Nhóm PV 25/03/2023 13:47 GMT+7
Từ vụ việc PV Báo Điện tử Dân Việt bị hành hung ở Hòa Bình, nhiều nhà báo cho rằng cần có chế tài mạnh hơn để bảo vệ phóng viên trước các vụ việc bị đe dọa, hành hung.

Liên quan đến vụ việc nhóm 3 đối tượng đã có hành vi ngăn cản, bẻ tay, giật, ném, đạp camera nhằm hủy hoại tài sản và những bằng chứng đã lưu bên trong camera, dùng những lời lẽ hăm dọa, chửi bới, xúc phạm, hành hung phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, nhiều Nhà báo cho rằng đây là hành vi liều lĩnh, thách thức pháp luật cần phải xử lý nghiêm với chế tài răn đe hơn.

Vụ phóng viên bị hành hung tại Hòa Bình: Hành vi manh động, liều lĩnh, cần chế tài mạnh hơn để xử lý - Ảnh 1.

Trong lúc ghi hình, tác nghiệp tại cơ sở Nhà máy giấy Thuận Phát, đóng tại địa bàn xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, nhóm phóng viên của Báo NTNN/điện tử Dân Việt đã bị một nhóm đối tượng tự xưng là Giám đốc và bảo vệ của nhà máy, hành hung ngay trước mặt cơ quan chức năng.

Hành vi liều lĩnh, thách thức pháp luật

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cho biết, đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí và Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

"Hai phóng viên của Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đi làm có đầy đủ giấy tờ, làm việc đúng pháp luật. Bên cạnh đó còn phối hợp với lực lượng chức năng tại cơ sở nhưng vẫn bị người tự xưng là Giám đốc của nhà máy và bảo vệ tấn công.

Với tình huống này, BBT Báo Nông thôn Ngày nay đã có những động thái quyết liệt, mạnh mẽ, khẩn trương.

Cụ thể, chúng tôi có công văn khẩn gửi Trương ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Hòa Bình cùng cơ quan công an liên quan đề nghị làm rõ sự việc nghiêm trọng này”, ông Định nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Kiên - TBT Báo Giao thông cho rằng, hành vi ngăn cản, bẻ tay phóng viên của nhóm người đang thách thức pháp luật.

“Tôi rất bức xúc khi xem clip đồng nghiệp bị hành hung như vậy. Rõ ràng đó là hành vi mang tính côn đồ và liều lĩnh. Phóng viên ghi hình có cả cơ quan chức năng mà chủ cơ sở vẫn bất chấp hành sự như thế thì phải xem lại.

Cơ quan chức năng trên địa bàn đã làm gì để doanh nghiệp họ hành động liều lĩnh, lộng hành như thế? Tại sao có cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc đi cùng nhưng trong clip thể hiện rõ họ không có một phản ứng hay hành động cụ thể nào để ngăn cản xung đột.

Báo Giao thông chúng tôi cùng dư luận cả nước theo dõi và chờ cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xử lý thế nào vụ việc này. Tôi nghĩ không khó để chứng minh hành vi vi phạm của chủ cơ sở. Vụ việc này nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc coi thường pháp luật”, vị TBT Báo Giao thông nói.

Ghi hình Nhà máy nghi gây ô nhiễm, phóng viên Báo NTNN-Dân Việt bị hành hung.

Trên góc độ phóng viên, Nhà báo Quang Khởi - Tạp chí Đời sống Pháp luật tỏ ra khá bất ngờ khi sự việc diễn ra.

“Nói thật là tôi bất ngờ khi xem clip. Một là sự việc diễn ra vào ban ngày, số lượng phóng viên khá đông cùng số lượng trang thiết bị máy quay nhiều. Hai là có lực lượng chức năng đi cùng, thế nhưng nhóm đối tượng vào bẻ tay khóa cổ như trấn áp tội phạm, hình ảnh quá phản cảm.

Tôi nghe đi nghe lại đoạn, ông áo xanh, đội mũ cối chỉ đạo thu phương tiện tác nghiệp, ngăn anh em phóng viên ra khỏi khu vực công ty.

Câu nói “công an đến cũng thế thôi” chứng minh cho việc cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường ở đây không ảnh hưởng đến việc hành hung. Đằng sau vụ việc tôi thấy có vấn đề cực kì lớn.

Đối với cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, trong trường hợp như thế này ít nhất các anh phải có lời giải thích, ngăn chặn đối với nhóm người đang mạnh động. Thế nhưng theo clip thì các anh chỉ bấm bấm điện thoại và gọi điện”, Nhà báo Quang khởi phân tích.

Xử lý nghiêm nếu không sẽ nhờn luật

Sau sự việc, nhiều Nhà báo, Nhà quản lý báo chí cho rằng, cần có chế tài mạnh, răn đe hơn để bảo về phóng viên trước các đối tượng mạnh động.

Theo nhà báo Lưu Quang Định, quy định phải nghiêm hơn nữa, mạnh mẽ hơn để răn đe các đối tượng làm càn: "Thực ra nghề Báo được xếp là 1 trong 12 nghề nguy hiểm. Thời gian gần đây, sự việc tấn công, hành hung, đe dọa nhà báo ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm. Trước tình hình đó, theo tôi, cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí có giải pháp bảo đảm an toàn phóng viên. Cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm, làm đúng những gì luật nêu rõ để bảo vệ phóng viên trước sự việc xảy ra.

Nhiều năm nước, tại Quốc hội đã đưa vấn đề tấn công phóng viên là hành vi chống người thi hành công vụ. Thế nhưng rất tiếc vì một vài lý do mà vấn đề này chưa được thông qua".

Phóng viên khi đi vào tác nghiệp chỉ có cây bút, cuốn sổ, máy ảnh... thế nên khi tìm hiểu những để tài nhạy cảm họ là những người rất dễ bị tấn công. Một số tòa soạn đã có những buổi tập huấn kĩ năng tự vệ cho phóng viên, dạy võ... đây là điều tôi thấy cần thiết.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay.

Còn nhà báo Nguyễn Trường Sơn - Phóng viên Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, việc nhà báo bị hành hung, đe dọa đã diễn ra từ nhiều năm, mỗi lúc có sự việc, các cơ quan cùng vào cuộc, khơi ra vấn đề nhưng quy định của pháp luật chưa đủ răn đe để xử lý.

"Bản thân tôi gặp không ít trường hợp bị các đối tượng đe doa, tấn công, thế nhưng ngay sau đó, đã liên hệ với lực lượng chức năng để họ xử lý quyết liệt.

Tôi mong rằng, nếu lỡ có tình huống xô xát, va chạm, hành hung phóng viên xảy ra, cơ quan chức năng phải đồng hành, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho họ trong quá trình họ tác nghiệp.

Chế tài phải răn đe hơn. Nhiều năm nay theo quy trình chỉ lên viết bản tường trình hoặc phạt hành chính với số tiền không đáng kể, như vậy sẽ dẫn đến nhờn luật, phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn", anh Sơn chia sẻ.

Nhiều nhà báo bức xúc trước vụ việc phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình.

Về góc độ bảo vệ quyền lợi Hội viên, nhà báo, phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, trong thời gian qua xảy ra không ít vụ việc cản trở, hành hung người làm báo, phóng viên, các đối tượng ngày càng manh động và liều lĩnh.

"Phía Hội Nhà báo chúng tôi luôn quan tâm, bảo vệ hội viên của mình. Theo quy trình, khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan báo chí, chúng tôi đều có công văn gửi tới các địa phương nơi có hành vi cản trở nhà báo.

Tuy nhiên các hiện tượng hành hung tiếp tục tái diễn, mức độ nghiêm trọng hơn.

Không ít lần chúng tôi yêu cầu tòa soạn phải yêu cầu rõ với phóng viên khi tác nghiệp tại khu vực nguy hiểm, tại các điểm nóng phải cực kĩ cận thận và trang bị những kĩ năng xử lý cần thiết.

Đối với các cơ quan pháp luật, khi các vụ việc xảy ra, chúng tôi yêu cầu không chỉ xử lý hành chính, đối với những vụ việc nghiêm trọng phải xử lý hình sự, phải làm để răn đe cho những vụ việc sau", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn dù có tăng mức phạt với hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, nhưng dường như là chưa đủ.

"Với tình hình hiện tại, phải đưa vào xử lý hình sự, tăng các mức phạt mới đủ tính răn đe", vị Phó Trưởng Ban khẳng định.