Làn sóng biểu tình tại Pháp đã kéo dài hơn một tuần qua, và sẽ còn tiếp tục trong tuần tới, cho đến khi chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm giải pháp trấn an sự phẫn nộ của công chúng.
Cải cách hưu trí là trọng tâm của những bất ổn trong lòng nước Pháp vào lúc này. Tuy nhiên, mồi lửa không hẳn đến từ nội dung rằng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, mà là cách ông Macron dùng quyền hiến định để khiến dự luật thông qua mà không cần bỏ phiếu, một động thái bị các phe đối lập coi là phản dân chủ.
Cuối cùng, sự hỗn loạn đã mở rộng thành một điều gần với cuộc khủng hoảng hiến pháp.
“Chúng ta đã chuyển từ một cuộc khủng hoảng xã hội về vấn đề nghỉ hưu sang giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dân chủ”, Laurent Berger, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp, nói. “Sự tức giận đang gia tăng, và trước mắt chúng ta là một tổng thống không nhìn thấy thực tế đó”.
Trong cuộc phỏng vấn được lên sóng truyền hình 1 ngày trước khi hàng triệu người biểu tình đổ ra đường ở khắp nước Pháp, ông Macron bị phát hiện đã lén tháo chiếc đồng hồ đắt tiền, thứ được xem là biểu hiện của một "tổng thống của người giàu", điều ông Macron thường bị cáo buộc.
Với động thái của chính phủ, người Pháp dường như cảm thấy ông Macron đã vượt qua lằn ranh đỏ, theo New York Times.
Khi các cuộc thăm dò cho thấy 2/3 nghị sĩ Hạ viện sẽ phản đối dự luật hưu trí, ông Macron đã sử dụng quyền hiến định để dự luật được thông qua mà chưa cần Hạ viện bỏ phiếu.
Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp.
Điều 49.3 hiện được sử dụng 100 lần kể từ khi tồn tại trong nền cộng hòa thứ năm của Pháp, và 11 lần dưới chính phủ của bà Elizabeth Borne.
Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì Quốc hội Pháp có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.
Chính phủ Pháp đã lách qua khe cửa hẹp và sống sót sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở giới thượng tầng chính trị ở đất nước hình lục lăng.
Thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Macron đã giảm xuống còn 28%, mức thấp nhất kể từ cuộc biểu tình áo vàng nổ ra vào năm 2018. Đồng thời, việc dùng điều 49.3 bị các phe đối lập coi là phản dân chủ.
Trong buổi phỏng vấn, ông Macron khẳng định sẽ không chấp nhận chủ nghĩa nổi dậy, đồng thời gợi nhắc đến sự tương đồng với cuộc bạo loạn Điện Capitol ở Mỹ năm 2021.
Ông nói rằng mình có trách nhiệm trong việc đảm bảo ổn định hệ thống hưu trí của Pháp. Tổng thống Pháp cho rằng hệ thống hưu trí sẽ quá tải nếu lực lượng lao động phải hỗ trợ người về hưu, vốn đang có tuổi thọ ngày càng tăng.
Ông Macron cho rằng sự thay đổi này là cần thiết để ổn định kinh tế. Các cải cách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của ông đã khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, tạo việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài. Dù vậy, đây không phải là thời điểm công chúng Pháp có thể nghe những bài giảng kinh tế.
Nhiều người đã lên kế hoạch cho cuộc biểu tình lớn hơn vào ngày 28/3. Chuyến công du đầu tiên của Vua Charles III với tư cách quốc vương nước Anh vẫn chưa thể thực hiện, khi Điện Buckingham phải hoãn chuyến thăm của Hoàng gia Anh đến Pháp, TIME đưa tin.
Điện Elysee cho biết Tổng thống Macron đã nói với Vua Charles III vào ngày 24/3 rằng chuyến thăm cấp nhà nước sẽ được dời lại để "nhà vua được chào đón trong điều kiện tương xứng với quan hệ hữu nghị hai nước".
Ông Macron, người không thể tranh cử nhiệm kỳ tới do quy định của hiến pháp, cho rằng những thay đổi trong cải cách hưu trí là quan trọng cho vấn đề kinh tế và đáng để đánh đổi tỷ lệ tín nhiệm, và đây cũng mục tiêu ông đặt ra trong nhiệm kỳ thứ hai, theo Guardian.
Những người ủng hộ tổng thống nói rằng tuổi nghỉ hưu của nam giới ở Pháp thấp hơn 2 năm so với trung bình tại EU, với phụ nữ là một năm. Trong khi đó, công chúng phản đối việc tăng thuế, do những áp lực kinh tế hậu Covid-19.
Dù vậy, những nghiên cứu độc lập từ hội đồng tư vấn hưu trí chỉ ra những con số phản bác luận điểm chi tiêu hưu trí sẽ vượt tầm kiểm soát trong 25 năm tới.
Giới phê bình cho rằng ông Macron đã quá cứng rắn, trong khi mặt khác ông ưu tiên cắt giảm thuế doanh nghiệp, dù đặt mục tiêu giảm thâm hụt quốc gia.
Các quan sát tin rằng dù ông Macron thắng thế trong cải cách hưu trí, nhưng phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ gặp nhiều cản trở với tiền lệ này.