Các cuộc biểu tình ở Pháp đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát

Lê Phương (RT) Thứ sáu, ngày 24/03/2023 08:26 AM (GMT+7)
Hôm 23/3, chính quyền Pháp đã phải vật lộn để trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.
Bình luận 0
Các cuộc biểu tình ở Pháp đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Biểu tình ở Pháp đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ảnh: Twitter

Hơn một triệu người biểu tình đã xuống đường trên khắp nước Pháp. Hàng chục nghìn công nhân đình công và phong tỏa các khu vực giao thông công cộng, trường học và nhà máy lọc dầu. Nỗ lực giải tán các cuộc biểu tình, cảnh sát đã sử dụng hơi cay, vòi rồng, đèn flash và dùi cui. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các sĩ quan mặc áo giáp nặng nề cố gắng ngăn cản những người biểu tình.

Các video khác cho thấy nhiều chướng ngại vật trên đường phố Paris. Lối vào tòa thị chính ở Bordeaux, thủ phủ của vùng Nouvelle-Aquitaine, đã bị đốt cháy.

Thậm chí, một đơn vị lính cứu hỏa còn tham gia cùng những người biểu tình. Nhiều nhân chứng đã mô tả tình hình là "ngoài tầm kiểm soát".

"Dường như đang có chiến tranh ở Paris, hãy chăm sóc bản thân", một hãng truyền thông độc lập đăng tải trên Twitter.

Gần 150 sĩ quan cảnh sát và hiến binh đã bị thương, Bộ trưởng Nội vụ Garald Darmanin cho biết vào tối 23/3, gọi điều này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những kẻ tấn công.

Ông Darmanin cũng nói với các phóng viên rằng 172 người đã bị giam giữ để thẩm vấn về "vụ cướp bóc và đốt phá" ở Paris, trong khi 190 đám cháy đã được đốt ở thủ đô của Pháp, 50 trong số đó vẫn đang cháy tính đến 10 giờ tối giờ địa phương.

Cảnh sát ước tính hơn một triệu người biểu tình đã xuống đường.

Làn sóng bất mãn của người dân bùng phát sau tuyên bố của Tổng thống Macron rằng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 62 lên 64, bắt đầu từ năm sau. Ông Macron nhấn mạnh rằng sự thay đổi là cần thiết, nếu không hệ thống lương hưu sẽ sụp đổ trong vòng vài năm tới.

Điện Elysee áp đặt thay đổi mà không hỏi ý kiến các nhà lập pháp, những người đã cố gắng giải quyết đề xuất gây tranh cãi kể từ tháng Giêng. Người biểu tình phản ứng bằng cách kêu gọi ông Macron từ chức.

Xuất hiện trên truyền hình hôm 22/3, Tổng thống Macron cho biết sai lầm duy nhất của ông là "không thuyết phục được mọi người" về quyết định này, nhưng khẳng định ông sẽ không lùi bước, ngay cả khi điều đó có "gây mất lòng dân".

Mặc dù người dân có quyền biểu tình theo hiến pháp, nhưng ông Macron nói, nếu họ sử dụng bạo lực, "thì đó không còn là dân chủ nữa".

Mặc dù bị chỉ trích nặng nề do những phản ứng trong đại dịch Covid-19, ông Macron vẫn tái đắc cử vào năm 2022, đánh bại bà Marine Le Pen với cách biệt 17 điểm. Cuộc bầu cử vòng hai chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ năm 1969.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem