Tại phiên họp thông qua tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương quý I mới đây, UBND tỉnh cho biết, sản xuất công nghiệp Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, sức mua chưa như kỳ vọng. Những khó khăn này đã được dự báo trước, thể hiện rõ từ quý III, IV/2022, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đây, để chủ động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ 1-2 quý, thậm chí là đến cuối năm. Tuy nhiên, trong quý I, các doanh nghiệp chỉ có được đơn hàng cho 2-3 tháng, hoặc đến giữa năm.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh.
Trong quý I, nhiều chỉ tiêu kinh tế sụt giảm. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp Bình Dương ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi quí I/2022, chỉ số này tăng 7,2%.
Tình hình xuất nhập khẩu của Bình Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiếp tục giảm với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính của Bình Dương.
Nếu quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu Bình Dương tăng 9,8% thì quý I/2023 chỉ ước đạt 7,285 tỷ USD; giảm 18,7%.
Cụ thể, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ giảm 41,5%; máy móc, thiết bị giảm 7,4%; dệt may giảm 17,4%; giày da giảm 12,5%.
Kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt hơn 5,1 tỷ USD, giảm 14% (quý 1/2022 tăng 0,2%).
Ngoài ra, đầu tư trong nước (tính đến 15/3) chỉ thu hút 10.782 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 31,8% so với cùng kỳ).
Tương tự, đầu tư nước ngoài (đến 15/3) thu hút 437 triệu USD (giảm 74% so với cùng kỳ).
Ông Lê Như Thạch – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn cao, cho thấy những khó khăn vẫn tiếp diễn.
Nhìn chung, các doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. "Đây là đối tượng rất dễ tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài", ông Thạch nói.
Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp trong ngành là xuất khẩu.
Chỉ có một số ít doanh nghiệp đã kinh doanh ở thị trường nội địa từ trước thì nay tiếp tục duy trì. Còn lại, các doanh nghiệp khác rất khó quay về thị trường nội địa do phải thay đổi công nghệ sản xuất. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ thì lại gặp khó khăn về dòng tiền, khó tiếp cận nguồn vốn vay.
"Việc mở rộng thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng. Hiện đã sắp bước sang quý II mà tín hiệu tích cực cho thị trường xuất khẩu ngành da giày vẫn rất hạn chế", bà Liên nói.
Dệt may cũng là ngành đang phải đối mặt với tác động từ tình hình lạm phát trên thế giới. Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương dự báo, tổng cầu thế giới năm 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5-4%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước.
Các đơn hàng ngành may mặc sẽ phục hồi vào quý II, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, tiếp tục ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và các tỉnh thành.
Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu của Bình Dương gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao.
Thu ngân sách của Bình Dương tuy đảm bảo dự toán nhưng thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hoạt động của một số doanh nghiệp chậm lại, nhất là ngành gỗ, may mặc, giày da. Nhiều đơn vị phải hoạt động cầm chừng, hoặc tạm dừng hoạt động và cắt giảm lao động. Tình hình thu hút vốn đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài cũng vì thế giảm mạnh.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các Sở ngành ở Bình Dương cần quyết tâm hơn trong hoạt động điều hành, và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, ông Minh nhấn mạnh đến giải pháp chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, các yếu tố cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Các Sở ngành cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, và mở rộng thêm nhiều thị trường mới", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị.