Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: Không để hình thành "khu ổ chuột" giữa lòng đô thị Thuận An và Dĩ An

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 15/03/2023 19:29 PM (GMT+7)
Hai thành phố Thuận An và Dĩ An gặp phải bẫy đô thị hóa ở thời kỳ đầu phát triển công nghiệp. Nhà máy, xí nghiệp đan xen trong khu đô thị, dần hình thành các "khu ổ chuột", khiến bộ mặt đô thị ở cửa ngõ không xứng tầm vị thế của Bình Dương.
Bình luận 0
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: Không để hình thành "khu ổ chuột" giữa lòng đô thị Thuận An và Dĩ An - Ảnh 1.

Dĩ An nằm ngay sát TP.HCM. Năm 2022, đô thị này đóng góp ngân sách đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Báo Bình Dương

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển đô thị ở Nam Bình Dương, cũng như kiến tạo vành đai công nghiêp ở Bắc Bình Dương trong quy hoạch tỉnh. Đây là những nhiệm vụ trong tâm mà lãnh đạo Bình Dương lưu ý tại Hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tổ chức ngày 15/3.

Tạo lập vành đai công nghiệp ở Bắc Bình Dương

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, khu vực Thành phố mới Bình Dương, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng sẽ là "thỏi nam châm" để thu hút người dân về sinh sống. Đây là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực trung tâm và các địa bàn phía Bắc Bình Dương.

Hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức ngày 15/3. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức ngày 15/3. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các địa phương phía Bắc Bình Dương gồm Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên còn dư địa khá lớn về đất đai. 

Khu vực này cần phối hợp quy hoạch để chuẩn bị bất động sản công nghiệp; tạo lập vành đai công nghiệp để kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra. 

Bắc Bình Dương cũng sẽ là một cực phát triển mới, khi hình thành Khu liên hợp văn hóa - thể dục - thể thao - y tế - giáo dục tầm cỡ khu vực, hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam Bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị giai đoạn 2022-2030, Bình Dương phải phát triển được 10.000ha công nghiệp, tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 4, cũng như các tuyến cao tốc trên địa bàn các huyện, thị phía Bắc.

Bắc Tân Uyên cùng với các huyện khác ở phía Bắc Bình Dương còn dư địa khá lớn về đất đai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bắc Tân Uyên cùng với các huyện khác ở phía Bắc Bình Dương còn dư địa khá lớn về đất đai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bắc Bình Dương cũng sẽ là nơi tiếp nhận luồng dịch chuyển các doanh nghiệp công nghiệp từ phía Nam lên, với khoảng 2.888 doanh nghiệp, theo đề án di dời của tỉnh.

Từ đó, Bắc Bình Dương hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, khu công nghiêp phụ trợ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0.

Khẩn trương quy hoạch đô thị Nam Bình Dương

Theo đề án di dời doanh nghiệp công nghiệp, khu vực Nam Bình Dương sẽ tái cấu trúc, dư ra khoảng 2.000ha để phát triển đô thị, dịch vụ; trọng tâm là TP.Thuận An và TP.Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi góp ý cho quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi góp ý cho quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Nguyên Vỹ

Gợi ý cho công tác quy hoạch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đề nghị TP.Thuận An và TP.Dĩ An cần chú trọng phát triển đô thị. TP.Thuận An và TP.Dĩ An muốn thành nơi đáng sống thì không thể để hình thành "khu ổ chuột" giữa lòng đô thị.

"Đến năm 2025, các đô thị phía Nam phải xóa đi các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông. Cùng với đó là các dân cư phải đáp ứng các điều kiện hạ tầng", Bí thư Lợi nói.

Siêu thị Aeon Mall ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Siêu thị Aeon Mall ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ThS.KTS Nguyễn Xuân Anh - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), thành viên nhóm tư vấn quy hoạch tỉnh Bình Dương, hai thành phố Thuận An và Dĩ An gặp phải bẫy đô thị hóa ở thời kỳ đầu phát triển công nghiệp.

Nhà máy, xí nghiệp nằm đan xen trong khu đô thị, dần hình thành các "khu ổ chuột". Điều này khiến bộ mặt đô thị ở cửa ngõ không xứng tầm vị thế của Bình Dương.

Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, nhóm tư vấn dự kiến, Bình Dương sẽ có khoảng 15 đô thị, trong đó có 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên); 1 thị xã (Bàu Bàng); 6 thị trấn và 3 đô thị mới. 

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương khoảng 90%, dân số khoảng 3,58 triệu người. Quy mô, chất lượng các đô thị trong hệ thống đô thị phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem