Cuộc "cách mạng” lần 2 của công nghiệp Bình Dương: Quyết tâm di dời lên phía Bắc

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 10/11/2022 14:22 PM (GMT+7)
Đề án chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN) là chủ trương lớn nhằm thực hiện chương trình số 34 năm 2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về đổi mới thu hút đầu tư.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp chịu tác động khi di dời vào các khu công nghiệp

Bối cảnh ra đời của Đề án khi số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN/CCN tỉnh Bình Dương là rất lớn, chiếm trên 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Và đa phần các cơ sở này đều được xây dựng, đi vào hoạt động từ trước khi có các KCN/CCN tập trung.

Các cơ sở này được phân bố không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, nằm rải rác, xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng... Tất cả gây nên khó khăn trong việc quy hoạch phát triển các đô thị lớn của Bình Dương.

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là không khuyến khích, tiến tới hạn chế việc xem xét đầu tư ngoài KCN/CCN; nhất là ở khu vực phía Nam tỉnh. Bên trong KCN Sóng Thần, TP.Dĩ An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là không khuyến khích, tiến tới hạn chế việc xem xét đầu tư ngoài KCN/CCN; nhất là ở khu vực phía Nam tỉnh. Bên trong KCN Sóng Thần, TP.Dĩ An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, có gần 3.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các quy mô khác nhau, phân bố nằm ngoài KCN/CCN ở địa bàn phía Nam tỉnh.

Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN/CCN xác định 4 nhóm tiêu chí để đánh giá gồm: Công tác bảo vệ môi trường; Phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Danh mục ngành nghề sản xuất và ý thức chấp hành quy định của pháp luật.

Lộ trình thực hiện tại các địa phương TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát bắt đầu từ năm 2020 đến 2030. Trong đó, TP.Thuận An là địa phương phải triển khai sớm nhất.

Ông Lưu Tấn Tiến – Giám đốc công ty TNHH Sơn Tison (TP.Thuận An) cho biết, khi di dời lên các KCN/CCN phía Bắc của tỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng di dời nhưng vấn đề đáng ngại nhất là khâu tuyển dụng lao động. 

Người lao động cũ có đi theo doanh nghiệp đến chỗ mới hay không cũng là việc cần giải quyết. "Tỉnh Bình Dương cần tính toán cụ thể nhu cầu ăn ở, học hành cho con cái của người lao động", ông Tiến nói.

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, sẽ có gần 3.000 doanh nghiệp và khoảng 588.000 lao động chịu ảnh hưởng từ đề án này.

TP.Thuận An là địa địa phương thí điểm di dời doanh nghiệp công nghiệp lên phía Bắc, sau đó tổng kết và triển khai ở các địa phương khác. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

TP.Thuận An là địa địa phương thí điểm di dời doanh nghiệp công nghiệp lên phía Bắc, sau đó tổng kết và triển khai ở các địa phương khác. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Vì thế, việc di dời cần xử lý khéo, từ tiêu chí, danh sách doanh nghiệp và lộ trình cụ thể, để không gây nên những xáo trộn quá lớn từ nhân sự đến tài chính.

"Việc di dời thích hợp nhất khi đã ổn định quỹ đất công. Lúc đó, các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ dễ dàng hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai", bà Liên đề nghị.  

Chia sẻ nỗi lo cùng doanh nghiệp

Ở phía Nam Bình Dương, TP.Thuận An có khoảng 600 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Đề án, cao nhất trong cả tỉnh.

Một nhà máy chế biến gỗ ở TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một nhà máy chế biến gỗ ở TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương - Bí thư Thành ủy TP.Thuận An cho biết, Thuận An vừa là địa phương phát triển công nghiệp vừa là đô thị có độ nén lớn vì mật độ dân số cao. Dịch Covid-19 vừa qua là biểu hiện cụ thể, khi thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh, giải quyết các vấn đề dân sinh.

TP.Thuận An chia sẻ nỗi lo của doanh nghiệp. Địa phương sẽ cùng các ngành chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; đề xuất UBND tỉnh có các chính sách di dời phù hợp. "TP.Thuận An sẽ làm tất cả để các doanh nghiệp ổn định trước khi di dời và thời gian khi đã chuyển sang vị trí mới", bà Phương nói.

Ở phía Bắc, huyện Bàu Bàng đang đặt mục tiêu trở thành thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Bình Dương.

Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng, khu vực để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Huyện Bàu Bàng đang đặt mục tiêu trở thành thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Huyện Bàu Bàng đang đặt mục tiêu trở thành thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L

Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, huyện Bàu Bàng đã nhanh chóng hình thành các KCN có quy mô lớn như KCN Đô thị Bàu Bàng có diện tích hơn 2.000ha, KCN Tân Bình với diện tích 352ha (phần diện tích thuộc huyện Bầu Bàng hơn 95ha).

Ngoài các tuyến giao thông huyết mạch như QL13, Mỹ phước-Bàu Bàng, ĐT750, ĐT749A, ĐT749C, Đ741B; các tuyến đường trong huyện đều được bê tông, nhựa hóa 100%. Các tuyến đường kết nối giao thông vào KCN Đô thị Bàu Bàng cũng đang được hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục, y tế được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo chuẩn Quốc gia.

Tính đến cuối tháng 9/2022, toàn huyện Bàu Bàng đã thu hút 1.377 dự án. Trong đó, có 1.156 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 41.785 tỷ đồng; và 215 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD.

Thực hiện Đề án đi dời ngànnh công nghiệp về phía Bắc, Bàu Bàng đang đầu tư xây dựng KCN Cây Trường rộng 700ha, KCN Lai Hưng rộng 600ha. KCN Tân Bình đang định hướng sẽ mở rộng thêm 1.055ha, về hướng huyện Bàu Bàng.

Các KCN này ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Đây là những điều kiện, tạo điểm nhấn phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và tạo động lực cho ngành thương mại dịch vụ địa phương phát triển

Khu công nghiệp Tân Bình đang định hướng sẽ mở rộng thêm 1.055ha, về hướng huyện Bàu Bàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khu công nghiệp Tân Bình đang định hướng sẽ mở rộng thêm 1.055ha, về hướng huyện Bàu Bàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Võ Thành Giàu - Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, địa phương rất quan tâm đến việc thỏa mãn các điều kiện phát triển sản xuất của các nhà đầu tư, cũng như đời sống người lao động.

"Tất cả phải đảm bảo thì ngườ lao động và doanh nghiệp mới an tâm sinh sống, tập trung đầu tư và kinh doanh có hiệu quả", ông Giàu nói.

Quyết tâm cao độ để hoàn thành Đề án

Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch của tỉnh đang tích hợp với quy hoạch của các huyện, thị để định hướng Bình Dương phát triển bền vững, hài hòa trong khu vực và cả nước.

Hiện tại, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng đang được triển khai xây dựng, đặc biệt là đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Quy hoạch phát triển các KCN/CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp.

Chủ trương di dời phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Sở Kế hoạch và Đầu tư mong doanh nghiệp đồng tình với chủ trương của tỉnh.

Đồng thời, ông Nhân cũng kiến nghị, tỉnh cần tổ chức thêm nhiều buổi gặp gỡ để lấy ý kiến của doanh nghiệp; thông tin rộng rãi các chính sách của tỉnh đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng để doanh nghiệp an tâm.

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã chuyển dịch mạnh mẽ theo cơ cấu công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp. Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chuyển đổi, tăng cường tỷ trọng ngành dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương lớn của Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương lớn của Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chia sẻ với nỗi lo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên quá trình phát triển công nghiệp ở Bình Dương thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại và chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là không khuyến khích, tiến tới hạn chế việc xem xét đầu tư ngoài KCN/CCN; nhất là ở khu vực phía Nam tỉnh.

Theo ông Dành, việc di dời không nên hiểu đơn giản chỉ là chuyển từ điểm này sang điểm khác. Đó là việc sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khác thác tốt tiềm năng đất đai ở các huyện phía Bắc.

Ông Dành nhấn mạnh: "Việc di dời được xem như một cuộc cách mạng tiếp theo của ngành công nghiệp Bình Dương. Cuộc cách mạng này không tránh khỏi khó khăn nhưng vô cùng quan trọng".

Tỉnh Bình Dương mong các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh. Đồng thời, ông Dành đề nghị các sở ngành tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, tham mưu kế hoạch, chính sách cụ thể. Bình Dương cần sự quyết tâm cao cũng những nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện thành công Đề án.

"Chủ trương là để công nghiệp Bình Dương mạnh hơn, tốt hơn chứ không phải làm yếu đi. Mục đích cuối cùng là đảm bảo sự phát triển tối đa của doanh nghiệp" ông Dành chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem