Bình Dương: Ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 22/03/2023 16:01 PM (GMT+7)
Ngân hàng muốn hạn chế rủi ro, buộc các doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Doanh nghiệp cần tiền nhưng khó đáp ứng được tiêu chí cho vay vốn. Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó tìm được tiếng nói chung.
Bình luận 0

Ngày 22/3, UBND tỉnh Bình Dương và Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn của 2 bên.

Ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung

Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, tổng nguồn vốn huy động đến ngày 28/2/2023 đạt 270.000 tỷ đồng; giảm 2,2% so với đầu năm; tăng 0,37% so với năm trước. Tổng dư nợ là 288.000 tỷ đồng; tăng 1,05% so với đầu năm; tăng 10,34% so với năm trước.

Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có chính sách giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguồn vốn huy động giảm, tăng trưởng tín dụng tăng thấp so với đầu năm, mặc dù thị trường tiền tệ tạm thời ổn định, thanh khoản dồi dào.

Cũng theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chung của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2 là 0,8%, so đầu năm tăng 0,14%. Tỷ lệ nợ xấu ở một số chi nhánh tổ chức tín dụng cổ phần có và không có vốn Nhà nước có xu hướng tăng.

Điều này phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn; nhất là đối với lĩnh vực ngành nghề gỗ, dệt may, da giày và bất động sản.

Tại hội nghị, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế trực tiếp tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.

Có những doanh nghiệp, ngành hàng chủ lực của tỉnh như ngành gỗ, dệt may, da giày.., đơn hàng xuất khẩu đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động sản xuất da giày tại một doanh nghiệp ở TP.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Xuân Thi

Hoạt động sản xuất da giày tại một doanh nghiệp ở TP.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Xuân Thi

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, đến tháng 6 mà không có đơn hàng, doanh nghiệp coi như thua luôn cả năm 2023. Bởi vì hiện đã sắp bước sang quý II mà tín hiệu tích cực cho xuất khẩu vẫn bặt tăm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày vẫn chìm ngập trong khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì không có tài sản thế chấp.

Muốn vay tín chấp, theo quy định của ngân hàng, doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh tốt. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, làm sao doanh nghiệp đảm bảo có phương án kinh doanh tốt.

"Đó là lý do mà doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó có được tiếng nói chung dù rất muốn tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh", bà Liên nói.

Không chỉ doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang gặp khó

Một vấn đề được các doanh nghiệp đưa ra là gói hỗ trợ 2% lãi suất đã được triển khai từ lâu. Song hiện nay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, gói cho vay 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản (cụ thể là cho vay nhà ở xã hội) cũng đã được 4 ngân hàng thương mại nhà nước đồng ý bố trí nguồn vốn, song đến nay vẫn chưa triển khai.

Đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng ở Bình Dương kiến nghị ngân hàng tiếp tục có chính sách kéo giảm mặt bằng lãi suất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng ở Bình Dương kiến nghị ngân hàng tiếp tục có chính sách kéo giảm mặt bằng lãi suất. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2023 giảm từ 0,5-1%. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp cho rằng, gói vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay duy trì quá cao.

Ông Nguyễn Khánh Toàn – Giám đốc Công ty điện Hoàng Ngân Phát cho biết, ngân hàng nhà nước đã có những nỗ lực nhất định hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, các động thái kéo giảm lãi suất vẫn chưa mang lại tác động tích cực.

"Mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến doanh nghiệp khó giảm giá thành sản xuất, khó năng cao năng lực cạnh tranh và mất đi nhiều cơ hội đầu tư", ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị ngân hàng và doanh nghiệp phải đồng hành chia sẻ với nhau trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị ngân hàng và doanh nghiệp phải đồng hành chia sẻ với nhau trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà ngân hàng cũng đang gặp khó. Ngân hàng và doanh nghiệp phải đồng hành chia sẻ khó khăn với nhau.

Ông Dành đề nghị Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực đúng, đủ các nhiệm vụ của mình, tiếp tục tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Trong việc huy động và cho vay vốn, các ngân hàng thương mại phải coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình. Các ngân hàng cần nghiên cứu giải pháp giãn nợ để doanh nghiệp cơ cấu dòng tiền.

Ngoài nỗ lực hỗ trợ của UBND tỉnh, ông Dành đề nghị các doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách cứu mình. "Nỗ lực này đến từ việc cơ cấu khoản nợ, cho đến phương án kinh doanh, thậm chí chấp nhận chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để tồn tại", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dành đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem