Kênh Long Xuyên - Rạch Giá là kênh đào sớm nhất ở miền Nam, có vị trí quan trọng trong giao thông vận tải đường sông, phát triển nông nghiệp, hình thành làng xóm, dân cư...Để tuyên dương công trạng của Nguyễn Văn Thoại, vua Gia Long đổi tên kênh Tam Khê thành kênh Thoại Hà, núi Sập thành Thoại Sơn (An Giang), cất miếu Sơn Thần, dựng văn bia...
Kênh đào có ý nghĩa rất lớn về giao thông thủy, cung cấp nước cho tưới tiêu và điều tiết lũ. Trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) có 5 tuyến kênh cấp I, 55 tuyến kênh cấp II và trên 355 tuyến kênh cấp III.
Trong đó, kênh Thoại Hà (còn có tên là kênh (Rạch Giá - Long Xuyên) nối An Giang với Kiên Giang trên 200 năm tuổi, là chứng cứ lịch sử cho sự có mặt của người Việt đến khai mở vùng đất phương Nam và tại huyện Thoại Sơn.
Sau khi thành lập (1802), triều đình nhà Nguyễn chủ trương đẩy mạnh khai hoang vùng đất phía Nam. Năm 1817, khi làm trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại kiến nghị lên vua Gia Long việc đào kênh Đông Xuyên, nối vàm rạch Đông Xuyên (Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày nay), được triều đình chấp nhận. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818), công việc đào kênh được tiến hành.
Nguyễn Văn Thoại điều động khoảng 1.500 người chặt cây cối, nạo vét bùn lầy. Lương thực và thực phẩm của sưu dân trong thời gian đào kênh do triều đình đài thọ. Việc đào kênh vô cùng gian nan, vất vả.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm điều hành của Nguyễn Văn Thoại, công việc tiến hành hơn 1 tháng là xong. Kênh nối liền Long Xuyên - Rạch Giá (đầu kênh là Ba Bần thuộc xã Vĩnh Trạch ngày nay), chiều dài hơn 31 km.
Kênh Long Xuyên - Rạch Giá là kênh đào sớm nhất ở miền Nam, có vị trí rất quan trọng trong giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc hình thành làng xóm và phát triển dân cư, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Để tuyên dương công trạng của Nguyễn Văn Thoại, vua Gia Long đổi tên kênh Tam Khê thành kênh Thoại Hà, núi Sập thành Thoại Sơn, cho cất miếu Sơn Thần, dựng văn bia.
Từ đó, vùng đất Thoại Sơn vinh dự mang tên vị danh thần nhà Nguyễn. Với điều kiện khắc nghiệt, từ khi vùng đất Thoại Sơn được định hình, người dân nơi đây đã đổ biết bao mồ hôi và cả xương máu để chinh phục thiên nhiên, khai phá đất đai, cùng với quá trình chống giặc ngoại xâm hơn 200 năm. Vì thế, nhân dân Thoại Sơn luôn trân trọng và tự hào với những thành quả mà cha ông đã dày công tạo dựng.
Bên dòng kênh Thoại Hà (Kênh Long Xuyên - Rạch Giá), kênh đào đầu tiên ở miền Nam nối tỉnh An Giang với tỉnh Kiên Giang ngày nay.
Bên cạnh kênh Thoại Hà, Thoại Sơn còn có kênh xáng Mướp Văn (kênh Ba Thê). Kênh Ba Thê do người Pháp khởi công đào bằng xáng gàu năm 1939, đến năm 1941 hoàn thành.
Kênh dài hơn 40km, chiều rộng gần 60m và độ sâu trung bình từ 2,5m. Kênh xáng Mướp Văn kết nối với sông Hậu tại cầu Cây Dương (huyện Châu Phú), kênh đi qua huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn của tỉnh An Giang và tiếp tục đến TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).
Những năm 1990, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Thoại Sơn về việc làm 2 vụ lúa và 3 vụ lúa/năm, phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, kênh xáng Mướp Văn được nạo vét bằng xáng cạp, lấy đất dưới lòng kênh làm bờ bao chống lũ triệt để, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, lòng kênh sâu, rộng thêm.
Năm 2000, Trung ương đầu tư nạo vét kênh xáng Mướp Văn bằng xáng thổi, tạo kết nối thuận lợi giao thông thủy, từ sông Hậu đến TP Rạch Giá (Kiên Giang), bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, xổ phèn và giải quyết ô nhiễm nguồn nước.
Ngày nay, kênh xáng Mướp Văn tiếp tục sứ mệnh lịch sử là tuyến kênh giao thông thủy quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Thoại Sơn của tỉnh An Giang.
Tháng 4/1978, kênh Núi Chóc - Năng Gù được tỉnh đầu tư khởi công nạo vét, mở rộng lòng kênh, đến tháng 12/1978 hoàn thành. Quá trình thi công có chỉnh sửa dòng kênh thẳng như hiện nay. Kênh dài hơn 33km, mặt kênh rộng 50m và độ sâu trung bình là 2,5m. Đoạn qua huyện Thoại Sơn dài 18km. Kênh chủ yếu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, kênh Núi Chóc - Năng Gù kết nối với xép Năng Gù (nhánh của sông Hậu) tại cầu Bình Mỹ (huyện Châu Phú). Kênh đào đi qua huyện Châu Phú, Châu Thành, xã Vĩnh Phú, Mỹ Phú Đông, Vọng Đông, thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và tiếp nối kênh Kiên Hảo, đi tiếp đến TP Rạch Giá (Kiên Giang).
Ngày nay, kênh Năng Gù - Núi Chóc (đoạn đi qua huyện Thoại Sơn) được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện nạo vét nhiều lần từ những năm 1990 và 2000, nguồn kinh phí do nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhờ vậy, lòng kênh được mở rộng và sâu thêm. Trên đê, người dân trồng cây xanh, xây dựng đường giao thông và nhà cửa, đời sống ngày càng sung túc.
Ngày xưa, các con kênh đào phục vụ giao thông thủy, quy tụ dân cư khai mở đất hoang để canh tác nông nghiệp. Kênh còn là nơi các loài thủy sản bám dựa sinh sôi phát triển.
Ngày nay, Đảng, nhà nước đầu tư bằng nhiều giải pháp, các con kênh đã phát huy hết công năng, ý nghĩa. Hai bờ kênh vừa là đường giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển phương tiện đường bộ, vừa là hệ thống đê bao kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất 3 vụ lúa/năm. Những xóm làng phồn vinh ngày càng hiện hữu bên bờ các con kênh đào đã minh chứng vùng đất Thoại Sơn ngày càng phát triển.