Nhà Mạc có ông vua nào ở cung điện bằng tre, bị sét đánh liệt nửa người suýt chết?
Đoạn kết buồn của Vương triều nhà Mạc, sét đánh cung điện vua liệt nửa người, hoang dâm vô độ
Chủ nhật, ngày 26/03/2023 05:03 AM (GMT+7)
Do Mạc Tuyên Tông bị bệnh đậu mùa mất sớm, Mạc Mậu Hợp mới lên 2 tuổi đã được Khiêm vương Mạc Kính Điển là phụ chính đưa lên ngôi tháng 1 năm 1562. Lúc này triều chính vẫn do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Mậu Hợp lên ngôi lấy niên hiệu là Thuần Phúc thứ nhất.
Tháng 10 năm Quý Dậu (1573), Mạc Mậu Hợp mới 13 tuổi, từ bến Bồ Đề qua sông vào Đông Kinh, đắp thành ở bên ngoài cửa Nam, dựng một ngôi điện bằng tranh tre để ở. Năm Đinh Sửu (1577), Mạc Mậu Hợp 17 tuổi, lấy con gái của Cẩm y thư vệ sự Phú Sơn hầu Vũ Văn Khuê là nàng Vũ Thị Hoành làm vợ.
Vào thời điểm này, ở phía Nam triều, Trịnh Kiểm đã chết, binh quyền vào tay Trịnh Tùng. Vua Lê và Trịnh Tùng sống với nhau khá hòa thuận, chính sự được chỉnh đốn, quân sĩ tinh tráng khỏe mạnh, khí thế đang lên. Còn phía Bắc triều, sau khi vào Đông Kinh, Mạc Mậu Hợp ham chơi bời, say đắm tửu sắc, không để ý gì đến việc nước.
Di tích còn sót lại là một đoạn thành cổ thời nhà Mạc tại đất Lạng Sơn.
Rất nhiều sớ của các quan khuyên răn Mạc Mậu Hợp bớt dâm dục chơi bời, nhưng vô hiệu. Ngày 21 tháng 2 năm Mậu Dần (1578), Mạc Mậu Hợp bị sét đánh vào cung, liệt nửa người, chữa mãi mới khỏi. Lúc này rất nhiều người trước kia hy vọng những gì tốt đẹp ở vương triều mới đã ra thi thố tài năng giúp việc, đều chán nản, muốn rút về ở ẩn.
Tháng 10 năm Canh Thìn (1580), Mạc Kính Điển, người có uy quyền danh vọng và là trụ cột của triều đình nhà Mạc qua đời, lòng người hoang mang.
Chính quyền của Mạc Mậu Hợp bắt đầu bộc lộ những căn bệnh hiểm nghèo, khó bề tránh khỏi bại vong: quan lại hèn nhát, cơ hội và vô trách nhiệm, chỉ ham đục khoét làm giàu. Hàng đống sớ tấu tâm huyết gửi lên khuyên Mạc Mậu Hợp thay đổi chính sự, song vô hiệu.
Năm Tân Tỵ (1581), Mạc Mậu Hợp lại bị chứng bệnh mắt mờ không rõ, sau chữa mãi mới khỏi. Khỏi bệnh, Mậu Hợp lại lao vào ăn chơi. Năm Nhâm Ngọ (1582), Mậu Hợp cho dựng một ngôi điện, gọi là điện Giảng học, danh nghĩa là vậy thực ra đấy là nơi yến tiệc, chơi bời.
Ngôi điện vừa làm xong thì một buổi tối bị hỏa hoạn, cháy trụi. Năm Đinh Dậu (1585), Mạc Mậu Hợp vào ở hẳn trong kinh thành Thăng Long, sai tu sửa kinh thành, xây dựng lại với quy mô lớn. Đây là công trình phụng ngự của Mạc Mậu Hợp.
Sau đó theo lời khuyên của Giáp Trừng, vua Mạc còn cho đắp thêm 3 lũy đất ở bên ngoài thành Đại La từ Nhật Chiêu qua Tây Hồ và Cầu Dền đến tận bến Thanh Trì. Các lũy này cao hơn thành cũ Thăng Long tới vài trượng, rộng 25 trượng, 3 lần hào, cắm chông gai, bao vây ngoài thành.
Nhiều việc trái luân thường đã xảy ra trong triều thần họ Mạc. Trong khi đó thì Mạc Mậu Hợp lại sống xa hoa, kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, thường ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Vì thế nhiều trọng thần kể cả văn và võ muốn cáo quan về hưu, Mạc Mậu Hợp phải buộc họ mới chịu ở lại.
Quan Thái bảo Giáp Trừng từng khuyên Mạc Mậu Hợp rằng “Trí túc bất nhục” (Biết đủ thì không nhục), song Mạc Mậu Hợp không nghe theo nên Giáp Trừng xin về. Đông Các học sĩ Nguyễn Văn Nhuận cũng có lần đã mạnh bạo tâu với Mậu Hợp:
- Nếu mọi việc, việc gì cũng không cốt ở sự thực mà chỉ chuộng hư văn, hạ thần sợ rằng việc trong thiên hạ sẽ dồn tới số không hết thảy.
Lời bàn:
Theo sử cũ thì Mạc Mậu Hợp lên ngôi lúc 2 tuổi, ở ngôi 30 năm, khi chết 32 tuổi. Con trai của Mạc Mậu Hợp là Toàn, được Mậu Hợp nhường ngôi và tự xưng là Vũ An, nhưng không được nhân tâm ủng hộ nên rơi vào cảnh thân cô thế cô và sau đó ngầm bỏ trốn, nhưng cũng bị quân Trịnh bắt được đem chém đầu tại bến Thảo Tân.
Như vậy là họ Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mậu Hợp, truyền ngôi được 5 đời thì mất, tổng cộng được 65 năm.
Nguyên nhân thất bại của nhà Mạc có nguồn gốc từ Mạc Mậu Hợp. Bởi dù đã được các đại thần can gián với những lời bàn vô cùng chí lý, nhưng Mạc Mậu Hợp không để tâm. Vì thế việc triều chính của nhà Mạc ngày càng suy sút, binh lực suy yếu, lòng người ly tán.
Nếu như trong lịch sử nhân loại có không ít chuyện các hôn quân, bạo chúa cướp vợ của thần dân, con em hoàng tộc hoặc bề tôi của mình để thỏa mãn dục vọng thì lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất có vua Mạc Mậu Hợp là dám làm chuyện như vậy.
Một kẻ chỉ thích ăn chơi và hoang dâm vô độ mà làm quan cũng đã đủ khốn khổ cho biết bao người huống chi lại là một ông vua. Và một người như thế thì dĩ nhiên là cái ghế sẽ không được sâu gốc bền rễ, xin hậu thế đừng ai quên điều này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.