Dân Việt

Khơi thông pháp lý, "cú huých" phục hồi thị trường bất động sản

Hồng Trâm 29/03/2023 15:11 GMT+7
Các chuyên gia đánh giá mặc dù thị trường bất động sản TP.HCM chưa thực sự khởi sắc. Thế nhưng sau, thời gian dài gặp khó khăn về nguồn vốn và pháp lý, song đến nay đã có nhiều dấu hiệu cho thấy những "điểm nghẽn" này đang được khơi thông.

Tháo điểm nghẽn pháp lý bất động sản

Vướng mắc về pháp lý đã và đang tác động lớn đến quá trình triển khai các dự án bất động sản tại TP.HCM.

Trong đó, việc xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án. Điểm nghẽn này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, giáng đòn nặng nề vào nguồn cung và thanh khoản, khiến các doanh nghiệp lao đao.

Tuy nhiên, từ quý 1/2023, các nhà đầu tư bất động sản đang dần lấy lại niềm tin vào thị trường khi đón nhận các thông tin vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ban ngành và địa phương…

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 178/TTg-CN, ngày 27/3, về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành bám sát tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Khơi thông pháp lý, "cú huýnh" phục hồi thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 1.

Vướng mắc về pháp lý đã và đang tác động lớn đến quá trình triển khai các dự án bất động sản tại TP.HCM. Ảnh: H.T

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan liên quan và cùng quyết tâm của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc cho thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng hoàn thiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, chủ trì rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán theo đúng quy định.

Đặc biệt, đối với UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, từ ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 313/QĐ-NHNN đã điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên 6%/năm.

Khơi thông pháp lý, "cú huýnh" phục hồi thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư đang dần lấy lại niềm tin vào thị trường khi đón nhận các thông tin gỡ vướng pháp lý từ cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: H.T

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất hạ nhiệt sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đến cả bên bán, lẫn bên mua trên thị trường bất động sản. Đó là nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc, tạo tâm lý tích cực cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn khi chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn vay có mức lãi suất hợp lý.

Thị trường bất động sản đang ấm lên

Riêng tại TP.HCM, lãnh đạo địa phương cũng có những động thái quyết liệt để gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường bất động sản.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc tại 156 dự án bất động sản của 121 nhà đầu tư trên địa bàn TP.

Trước đó, ngày 20/2, UBND TP ban hành Thông báo 96 tháo gỡ vướng mắc tại 116 dự án nhưng đến ngày 24/3, con số dự án được tổng hợp đã tăng lên 156 dự án.

Đối với các dự án được tổng hợp bổ sung, nằm ngoài nội dung chỉ đạo tại Thông báo 96, UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi, thống nhất với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Sau đó, báo cáo lại UBND TP chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc; hoàn thành trước ngày 15/4.

Khơi thông pháp lý, "cú huýnh" phục hồi thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh 4.

Pháp lý và nguồn vốn là 2 vấn đề quyết định đến thị trường bất động sản. Ảnh: H.T

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá, hàng loạt quyết sách mới từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang góp phần giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đây là trợ lực quan trọng để thị trường có thể vượt qua khó khăn hiện tại, đi đến hồi phục và phát triển trong thời gian tới.

"Những nỗ lực này giúp tháo gỡ điểm nghẽn từ tài chính đến pháp lý và được quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mọi thứ minh bạch là cơ sở cho nhà đầu tư trái phiếu, bất động sản hay chứng khoán thêm niềm tin rót vốn vào thị trường", vị đại diện HoREA chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản ngay trong quý 1/2023 cũng đang có dấu hiệu tích cực, khi triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, bằng những văn bản quy định pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp đã đảm bảo thực trạng "sức khỏe" thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn.

Sang quý 2/2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, xử lý vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư, với dự án nhóm nhà ở gồm: Dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ.

"Với nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm vượt khó, cùng tinh thần hội nhập, phát triển của các đơn vị, tổ chức, nhà môi giới, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ dần ấm lên. Từ đó khích lệ tinh thần, tạo ra sức lan tỏa cho các phân khúc, đưa thị trường vực dậy, phát triển vững mạnh theo đúng định hướng, mục tiêu 2023", ông Đính nhận định.